DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


    Tam Đảo "Đà Lạt xứ Bắc"_Đâu phải chỉ có Đà Lạt là số một

    anhday
    anhday
    Trợ lý giám đốc
    Trợ lý giám đốc


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 1298
    Tuổi : 38
    Cảm ơn : 33

    Tam Đảo "Đà Lạt xứ Bắc"_Đâu phải chỉ có Đà Lạt là số một Empty Tam Đảo "Đà Lạt xứ Bắc"_Đâu phải chỉ có Đà Lạt là số một

    Bài gửi by anhday 2009-01-13, 11:59

    Tam Đảo "Đà Lạt xứ Bắc"_Đâu phải chỉ có Đà Lạt là số một News_1230361513

    Nếu một lần đặt chân đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc), bạn sẽ thấy sự ví von này không ngoa chút nào.

    Ở cái thị trấn nhỏ bé ấy, mây mù quanh năm hiển hiện, trong một ngày có thể cảm nhận được dư vị của bốn mùa: bình minh là gió xuân mơn man; trưa là chút nắng hè hanh hao vàng như mật; chiều về giống như tiết thu; còn buổi tối là mùa đông lạnh giá. Chỉ với sự độc đáo ấy, Tam Đảo đã đủ điều kiện để trở thành khu nghỉ dưỡng lý tưởng.

    Miền biển mây


    Từ thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), sau khoảng 1 giờ chạy xe là lên tới khu du lịch Tam Đảo. Đường dốc nghiêng nhẹ, ngoằn nghèo vắt qua sườn núi, bên đường rừng thông thẳng tắp, reo vi vu trong gió. Càng lên cao, không khí càng thoáng mát, nhìn xuống dưới thấy con đường mình đi qua tựa như dải lụa. Cuối cùng, thị trấn Tam Đảo xinh đẹp cũng hiện ra với những ngôi nhà ẩn hiện trong mây. Thị trấn xinh xắn nằm gọn trong thung lũng của dãy Tam Đảo với trập trùng mây trắng.

    Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của Tam Đảo và xây dựng nơi đây thành thị trấn du lịch với 163 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi. Sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên đã khiến những ngôi biệt thị này chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát... Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo một dấu ấn riêng cho Tam Đảo, vừa nên thơ, cổ kính, vừa thâm u, trầm mặc.

    Theo hướng dẫn của người dân bản địa, tôi theo những bậc đá để lên tháp truyền hình, cao 93m trên đỉnh Thiên Nhị, một trong ba ngọn núi cao nhất của dãy Tam Đảo. Đường lên tuy hơi dốc nhưng du khách như được hòa mình vào thiên nhiên hoang dại với những loài hoa không tên nở đầy lối đi, màu sắc rực rỡ... Lên tới đỉnh, phóng tầm mắt ra xung quanh là mênh mông trời, đất, gió, mây khiến tâm hồn con người trở nên thư thái.

    Một địa danh nổi tiếng không kém ở thị trấn du lịch này là thác Bạc. Con đường mòn dẫn xuống thác quanh co, mới chỉ đi gần đến nơi đã nghe tiếng nước đổ ào ạt. Thác Bạc giấu mình trong núi, đổ xuống dòng nước trắng xoá, lấp lánh ánh mặt trời. Tiếng nước chảy, gió reo vọng vào vách đá nghe như tiếng gọi của ngàn xưa vọng lại.

    Không chỉ có vậy, dãy Tam Đảo với ba ngọn núi kỳ vĩ còn là nơi lưu trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vườn quốc gia Tam Đảo có khoảng 2.000 loài thực vật, 840 loài động vật; trong đó có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Theo các nhà sinh thái học, các loài cây ở Vườn quốc gia Tam Đảo được xếp thành 8 nhóm có giá trị sử dụng khác nhau. Về khu hệ động vật, vườn có trên 39 loài đặc hữu, nhiều loài có trong sách Đỏ Việt Nam.

    Để khai thác hết tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng của thị trấn xinh đẹp này, thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành hàng loạt các chủ trương, chính sách và đề ra giải pháp đầu tư cho Tam Đảo, trong đó, có thể kể đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu sân golf, biệt thự Tam Đảo. Dự án được triển khai tại thung lũng bằng phẳng rộng 137,67ha thuộc địa phận 3 xã Hợp Châu, Minh Quang và Hồ Sơn. Hy vọng khi dự án này hoàn thành, Tam Đảo sẽ mang một diện mạo mới, vừa trẻ trung, hiện đại, vừa giữ được vẻ tĩnh lặng, trầm mặc vốn có.

    Tây Thiên, khu du lịch sinh thái lý tưởng

    Nằm trong hành trình tham quan Tam Đảo, một địa chỉ không thể không nhắc đến là danh thắng Tây Thiên, nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Từ thế kỷ XVIII, Tây Thiên đã được biết đến là vùng sơn thủy hữu tình. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn từng mô tả: “Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng...”.

    Theo đánh giá của các nhà khoa học, Tây Thiên sở hữu hệ thực vật khá phong phú và đa dạng với 130 họ, 344 chi và 490 loài. Hệ động vật có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài. Sự đa dạng sinh học kết hợp với những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử còn lưu giữ giúp Tây Thiên trở thành điểm đến hấp dẫn.

    Không chỉ được khám phá thiên nhiên hoang dã, đến Tây Thiên, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa thông qua hệ thống chùa, miếu, đền còn sót lại, trong đó có đền Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Theo truyền thuyết, bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, đã ra giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang. Giặc tan, bà từ chối tước lộc vua ban để lui về với núi rừng. Cũng có sách nói do cảm mến sắc và tài của bà nên hoàng tử Lang Liêu cưới bà làm vợ và chiếc bánh chưng - bánh dày ra đời cũng nhờ công sức rất lớn của bà. Khi bà mất, nhân dân đã tôn vinh bà là Quốc Mẫu Tây Thiên.

    Đặc sản su su

    Người ta bảo, ẩm thực Tam Đảo nổi tiếng với món thịt bò xào tỏi thơm lừng hay thịt gà đồi luộc nhưng tôi lại thấy su su mới thực là đặc sản của đất này. Đến Tam Đảo, bạn có thể nhìn thấy loài cây họ Bầu bí này có mặt ở khắp nơi. Su su mọc thành giàn chênh vênh trên sườn núi, mơn mởn trước cửa nhà. Hai bên đường dẫn vào thị trấn cũng bạt ngàn màu xanh của su su. Điều đặc biệt, su su đã giúp người dân Tam Đảo làm giàu. Đứng bên vườn su su xanh mởn, ông Nguyễn Xuân Hiền, nông dân thôn 2, thị trấn Tam Đảo khoe, hiện mỗi ngày gia đình thu khoảng 1,5 triệu đồng từ su su.

    Su su theo chân người Pháp có mặt ở Tam Đảo từ đầu thế kỷ XX. Nhưng phải đến khi lượng khách du lịch đến tham quan ngày một đông, họ tỏ ra thích thú với món rau chỉ được trồng ở xứ lạnh này và mua về làm quà thì su su mới thực sự trở thành cây làm giàu của nông dân Tam Đảo. Nhà nhà trồng su su, người người trồng su su. Đi khắp thị trấn, du khách hiếm gặp những khoảng đất trống, trên khắp các sườn núi, tường rào... đều phủ kín su su. Bình quân mỗi hộ trồng 4 - 5 sào su su, thu lãi 20 - 30 triệu đồng/năm. Hộ trồng nhiều lên tới 2-3 mẫu, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

    Nhờ thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho điều kiện sinh trưởng rất thuận lợi nên cây su su ở Tam Đảo phát triển nhanh, luôn tươi tốt. Ngọn dài, mập, xanh tươi mơn mởn quanh năm. Từ ngọn và quả su su, người dân Tam Đảo đã chế biến ra một số món ăn có hương vị thơm ngon, quyến rũ. Ngắt từng đoạn rau, từ búp, ngọn ra mỗi đoạn dài độ bốn đốt ngón tay, có thể lấy thêm một số lá non và vò cho mềm rồi rửa sạch, vớt ra rổ. Khi nước bắt đầu sôi, thả ngọn su su vào luộc như rau muống. Ngọn su su luộc chấm với nước ma-gi (nước tương) pha tỏi tươi đập nhỏ cho hương vị mát, thơm và có vị ngọt. Ngọn su su có thể xào với thịt bò hay lòng gà. Quả su su gọt vỏ, rửa cho hết nhựa rồi luộc trong nước có pha chút muối trắng tinh chế. Sau luộc, mang su su ra chấm với muối lạc, muối vừng, ăn thấy vị bùi, thơm và mát. Quả su su gọt vỏ, thái mỏng hay thái chỉ có thể xào với trứng gà, thịt bò hay lòng gà, ăn thấy vị béo, thơm và đậm.

    Huyện Tam Đảo hiện có trên 70ha su su, riêng thị trấn Tam Đảo có gần 40ha. Để tránh hàng giả và bảo vệ uy tín, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã đăng ký thương hiệu cho su su với cái tên: “Su su an toàn Tam Đảo”. Đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng, Tam Đảo đã hình thành đội quân chuyên thu mua su su tại ruộng, đưa về bán buôn cho các chợ, nhà hàng, khách sạn và siêu thị ở các thành phố.

    Chợ Tam Đảo, ngoài những món quà độc đáo của vùng cao như rượu ong bầu đất, dưa măng ớt, còn có những bó rau su su xanh mơn mởn. Thứ quà quê tuy giản dị, mộc mạc nhưng nó theo chân du khách đến khắp mọi miền. Tôi cũng chọn cho mình một bó rau với những ngọn vươn dài, mập mạp. Chẳng biết có phải vì nó đã hút lấy tinh túy của đất, trời nơi này mà có vị ngọt, thơm đến vậy. Chỉ cần có thế, Tam Đảo đã để lại trong lòng người một dấu ấn khó phai.

      Hôm nay: 2024-05-07, 10:00