GS.Kaplan: "Quốc gia là một con thuyền, DN là những tay chèo"
Lý thuyết Bảng điểm cân bằng tưởng như khô khan, chỉ áp dụng trong quản trị DN bỗng trở nên sinh động và hiệu quả bất ngờ khi ứng dụng vào điều hành của các chính phủ, các cơ quan công quyền. Và thú vị hơn là người ta có thể áp dụng nó để tìm sự cân bằng trong đời sống hàng ngày.
GS Robert Kaplan diễn thuyết tại Lễ công bố TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam
(Ảnh: VNN)
Nhân viên phải như người lính: Chiến đấu phải biết mục tiêu
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sáng nay (2/1/2009), ông vừa có cuộc trao đổi với đại diện 500 DN hàng đầu của Việt Nam về Bảng điểm cân bằng. Với kinh nghiệm triển khai và áp dụng mô hình này ở các DN trên thế giới, theo ông, những thách thức, trở ngại chính của việc áp dụng Bảng điểm cân bằng với DN là gì?
Bảng điểm cân bằng (Balance Scorecard) là một hệ thống quản lý và lập kế hoạch chiến lược được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ, ngành công nghiệp và kinh doanh trên toàn thế giới.
Mục đích là sắp xếp các hoạt động kinh doanh hướng vào tầm nhìn và chiến lược của tổ chức, cải thiện thông tin liên lạc trong và ngoài doanh nghiệp, giám sát hoạt động của tổ chức dựa trên các mục tiêu chiến lược.
Nó mang đến cho các nhà quản lý và các quan chức cấp cao trong các tổ chức một cái nhìn cân bằng hơn về toàn bộ hoạt động của tổ chức.
Hiện tại có khoảng một nửa trong số 1000 công ty trong danh sách Fortune 1000 sử dụng phương pháp này.
GS. Kaplan: Trước hết, phải xác định rằng ứng dụng các biện pháp quản lý mới trong DN là rất quan trọng nhưng nó không đơn thuần chỉ là hệ thống quản lý. Nhóm các nhà quản lý cấp cao phải xem đây là cơ hội để giao tiếp tốt hơn với các nhân viên của mình, giúp nhân viên hiểu hơn mục tiêu mà tổ chức hướng tới và cải thiện công việc của họ theo hướng đóng góp cho mục tiêu chung đó.
Thách thức lớn nhất khi áp dụng Bảng điểm cân bằng là chính là sự thay đổi nhận thức, từ việc cho rằng đây không chỉ là vấn đề hệ thống quản lý giá trị, mà là kênh giao tiếp, kết nối các thành viên trong nội bộ DN, để mọi người làm việc cùng nhau đạt tới mục tiêu chiến lược chung.
Rào cản lớn nhất của việc nhận thức là sự thiếu cam kết của chính giới lãnh đạo DN. Để có thể hành xử được như lãnh đạo của Tập đoàn cung cấp xăng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới Exxon Mobil không hề đơn giản. Họ biết cách giúp tất cả nhân viên hiểu chiến lược của tập đoàn là gì và làm thế nào để mỗi người có thể đóng góp cho chiến lược đó. Một khi vượt qua được rào cản này, phần việc còn lại rất đơn giản.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Các nhà lãnh đạo nhận thức được rằng Bảng điểm cân bằng là công cụ tốt để thực hiện cạnh tranh, thì sao họ lại thiếu sự cam kết như vậy?
GS. Kaplan: Bởi vì một số lãnh đạo muốn điều hành, lãnh đạo bằng kiểm soát, muốn mọi người vây quanh mình, còn họ là trung tâm toả sáng. Đó là cách điều hành sai lầm với hệ thống Bảng điểm cân bằng. Một số lãnh đạo khác lại không muốn chia sẻ chiến lược của mình với người khác, ngay cả khi đó là các nhân viên của mình. Một khi nhà lãnh đạo không chia sẻ chiến lược, các nhân viên sẽ không thể đóng góp nhằm đạt được mục tiêu đó.
Chỉ khi các nhà lãnh đạo hiểu tầm quan trọng của việc này thì công việc mới thuận lợi. Tôi xin đơn cử một ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn. Khi quan sát nhóm những người đầu tiên ở Mỹ áp dụng Bảng điểm cân bằng trong tổ chức của mình, tôi ngạc nhiên khi biết rằng 2 trong số 3 người áp dụng Bảng điểm cân bằng là cựu lãnh đạo hải quân.
Tôi đặt câu hỏi liệu có mối liên quan nào giải thích việc tiên phong trong áp dụng mô hình này, họ cho biết họ hiểu rõ ưu tiên hàng đầu để áp dụng mô hình này là giao tiếp với những thành viên trong tổ chức của mình, những người lính. Trong chiến đấu, một đội quân có thể bước vào cuộc chiến mà không nhất thiết phải có mặt của người chỉ huy.
Trong trường hợp đó, với hải quân Mỹ, trước khi đưa người lính vào bất kỳ cuộc chiến nào, mỗi người lính cần phải biết rõ mục tiêu của họ là gì và đối thủ của mình là ai. Vì thế, người chỉ huy cần mỗi người lính tự nhận thức và phối hợp với nhau trong sứ mệnh đạt mục tiêu chung đó. Người chỉ huy trong trường hợp này cũng giống như các CEO của một DN. Ưu tiên hàng đầu của CEO là khiến tất cả nhân viên nắm được mục tiêu và định hướng, từ đó áp dụng cho công việc hằng ngày.
Bảng điểm cân bằng: Hệ thống quản trị chiến lược trong khó khăn
TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với GS Kaplan trong hội thảo
TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trao đổi với GS Kaplan trong hội thảo
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong các tình thế khó khăn, Bảng điểm cân bằng được áp dụng như thế nào?
GS. Kaplan: Thực tế cho thấy có nhiều DN đã không thể triển khai Bảng điểm cân bằng trong thời điểm thuận lợi, vì dù không có hệ thống quản trị mạnh, thì DN vẫn đang thành công và kết quả doanh thu vẫn tăng. Đối với những DN đang gặp khó khăn, nhu cầu áp dụng Bảng điểm cân bằng trở nên bức thiết hơn. Họ cần một hệ thống quản trị mang tính nguyên tắc, có cơ sở, nền tảng, để chỉ đạo những vấn đề DN có thể làm và đưa ra những quyết định ưu tiên hết sức khó khăn.
Ví dụ, khi bạn có một quy trình, bạn cần xác định biện pháp, xác định các ý tưởng chiến lược để triển khai và cần ngân quỹ cho việc triển khai các ý tưởng chiến lược đó. Thật không may, vào thời điểm khó khăn, rất nhiều ý tưởng phải bị xem lại và bỏ sang một bên cùng với việc cắt giảm ngân sách.
Những DN tốt nhất biết rằng khi khủng hoảng chấm dứt, họ phải ra khỏi khủng hoảng để tiến tới giai đoạn phát triển tiếp theo, thậm chí còn khó khăn hơn trước. Muốn đạt được điều đó, họ cần phải tiếp tục đầu tư vào năng lực con người, quan hệ khách hàng và các sáng kiến cải tiến.
Trong khó khăn, DN có thể ngừng thực hiện nhiều sáng kiến, ý tưởng, có thể giảm đầu tư vào một số vấn đề, sa thải một số nhân viên để tồn tại và thoát ra khỏi thời điểm ngặt nghèo, nhưng họ phải tiếp tục theo đuổi việc xây dựng năng lực nhân sự, ngay cả trong giai đoạn đi xuống, để xây dựng một DN mạnh hơn. Bạn cần xác định phải tập trung nguồn lực vào vấn đề, mục tiêu, dự án nào nhằm có được năng lực tốt hơn cho tương lai.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, nhiều DN xác định và giành nhiều ưu tiên trong việc quản lý rủi ro. Bảng điểm cân bằng có thể hỗ trợ gì cho các DN trong quản trị rủi ro?
GS Robert Kaplan
GS. Kaplan: Theo đánh giá của tôi thì sự hợp tác giữa Bảng điểm cân bằng và quản trị rủi ro chưa đủ mạnh như tôi mong muốn. Chúng tôi nhận thức rằng để có được phát triển bền vững thì mô hình quản trị rủi ro tốt rất quan trọng. Công việc tôi đã thực sự khởi đầu với góc tiếp cận về tài chính. Chúng tôi thường thấy 2 cấp độ về hiệu quả quản lý tài chính tương lai: cải thiện hoạt động và tăng trưởng lợi nhuận.
Chúng tôi nhấn mạnh 2 cấp độ để cải thiện lợi nhuận của các thành viên. Bây giờ chúng tôi xác định một cấp độ thứ ba chính là quản trị rủi ro. Việc quản trị rủi ro cần được nhìn nhận đúng ở các DN, bởi lẽ, nó hỗ trợ cho sự tạo dựng của các thành viên. Đó không phải là vấn đề dễ giải quyết.
Đó là thách thức để có được những giải pháp tốt ứng phó với rủi ro mà các DN phải đối mặt. Nhiều "think tank" và các thể chế tài chính ở Mỹ đã có quy trình quản trị rủi ro. Chúng tôi cần học tập kinh nghiệm về cách thức quản trị rủi ro tốt nhất, để đưa vào Bảng điểm cân bằng, từ đó giúp các DN nhận diện rủi ro và xác định cách thức tốt nhất để quản trị rủi ro.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy có cách nào để lường trước các rủi ro cho các khoản đầu tư mạo hiểm. Những hạng mục đầu tư mạo hiểm thường lợi nhuận cao và thu hút được nhiều DN. Bảng điểm cân bằng có thể giúp gì cho các nhà đầu trong việc đầu tư mạo hiểm này?
GS. Kaplan: Điều này trở lại với một điểm quan trọng tôi đã đề cập trước đó: tầm quan trọng của việc kết nối DN với nhà đầu tư, về những tài sản định đầu tư, thông tin và cách tiếp cận. Con người, sáng kiến, quan hệ khách hàng.
Tôi xin đơn cử ví dụ thành công trong hoạt động này là một DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT của Mỹ. DN này đã sử dụng Bảng điểm cân bằng trong 7 năm qua. Khi nhìn vào bảng báo cáo thường niên, họ cung cấp tất cả các số liệu về hoạt động kinh doanh cũng như các tư liệu bổ trợ về khách hàng, sự phát triển của các khách hàng lớn, về mức độ tăng cường hợp tác với các khách hàng lớn. Họ cung cấp thông tin về các đổi mới của DN, sự thay đổi về nhân sự, số người được tuyển dụng, chất lượng nhân sự, và xu hướng giữ người.
Sử dụng hệ thống những biện pháp phi tài chính để giao tiếp với nhà đầu tư, khách hàng để chia sẻ các giải pháp chiến lược với nhà đầu tư. Trong hệ thống khác, thông số tài chính về tình hình kinh doanh rất quan trọng, nhưng trong hệ thống Bảng điểm cân bằng điều quan trọng là xây dựng mối giao tiếp với nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Gần 20 năm kể từ khi ra đời, hiện nay, Bảng điểm cân bằng đã được cập nhật những điều gì mới ?
GS. Kaplan: Lý thuyết Bảng điểm cân bằng rất ít cập nhật. Cho đến nay đã có 5 cuốn sách về Bảng điểm cân bằng. Nội dung cập nhật quan trọng nhất chính là bản đồ chiến lược - câu trả lời cho công cụ còn thiếu giữa chiến lược và Bảng điểm cân bằng, là sự kết nối giữa văn bản chiến lược và kế hoạch triển khai hoạt động thực tế. Chúng tôi đã dành trọn một cuốn sách để viết về bản đồ chiến lược, bởi nó rất quan trọng trong sự phát triển của lý thuyết.
Được sửa bởi Admin ngày 2009-01-03, 13:22; sửa lần 2.