Thế nhưng dù có như thế đi nữa thì cũng chắc gì Đà lạt đã là một nơi lý tưởng để sống. Đà lạt dù được đôn lên thành thành phố cấp 1 trực thuộc địa phương nhưng vẫn là thành phố của núi rừng với số dân chỉ trên 30 vạn. Một thành phố đẹp (ấy là như các phương tiện truyền thông miêu tả) với lịch sử gần 120 năm là dân số chỉ vẻn vẹn có từng ấy thì chắc phải có lý do gì đó chăng. Phải chăng cái đẹp cái mộng mơ đó chỉ là cái chỉ để ngắm nhìn hay thả hồn phút chốc rồi người ta lại phải trở về với đời thực với bao lo toan cơm áo gạo tiền. Với ý nghĩa như vậy, với nhiều dường như Đà lạt giống như một quán trọ nhỏ bên đường cho những cô cậu sinh viên trên đường hướng tới Hà Nội và Tp HCM. Họ không chọn Đà lạt làm nơi để an cư mà chỉ như một chốn đi về ....
Đẹp thì đẹp đấy, nhưng đó là cái đẹp của ngày xưa. Ngày nay, kinh tế thị trường xô bồ chộp giật đã ít nhiều làm Đà lạt già đi rất nhiều. Đà lạt không còn được trẻ trung mộng mơ e ấp như một thiếu nữ ngày xưa nữa mà đã trở thành một thiếu phụ trưởng thành với những vết hằn của năm tháng tuổi tác của những toan tính đời thường. Thác Cam ly khi xưa xối xả đổ nước mà nay thì chỉ tí tách nhỏ giọt như cà phê Trung Nguyên! Hay phải chăng thác đang nhỏ lệ thương cho thân phận của mình! Thác Ponguor bị bức tử vì thủy điện, hồ Thẫn Thờ thì ngoắc ngoảy thở than than thở vì ô nhiễm. Thung lũng Tình yêu thì trở thành dumping site của BCS (condom)!
Ôi! Đà lat. Bao giờ cho đến ngày xưa, Đà lạt ơi? Bao giờ?