Hang cọp là nơi vô cùng nguy hiểm, chỉ có những người can đảm, thợ săn gan dạ, dũng mãnh mới dám vào. Nhưng ngày nay, chúng ta có thể vào “hang cọp” dễ dàng, nếu có chút máu phiêu lưu, mạo hiểm và lòng yêu thiên nhiên.
Thác Hang Cọp cách thành phố Đà Lạt 15 km về hướng Đông, thuộc ấp Túy Sơn, xã Xuân Thọ. Thác nằm giữa khu rừng thông với diện tích 308 ha, chiều cao thác chừng 50 m, dài hơn 500 m, trên đường từ Đà Lạt về Dran (Đơn Dương). Thác Hang Cọp có nhiều tên gọi khác như: thác Ông Cọp, thác Ông Thuận, thác Đạ Sar, thác Thiên Thai, thác Long Nhân...
Buổi sáng, trời cao nguyên vần vũ sương mây, chúng tôi lên đường khám phá thác Hang Cọp. Từ Quốc lộ 22, cách Trại Mát chừng 3 km, xe máy tẽ vào một con đường nhỏ lởm chởm đá cuội. Đi được gần 2 km, con đường bắt đầu hiểm trở và khá nguy hiểm với nhiều khúc quanh “cùi chỏ”, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Xe chầm chậm thả dốc xuống thung lũng hun hút, âm u... Tiếng thông reo vi vu, tiếng thác đổ ầm ì gợi cho chúng tôi thêm nhiều háo hức. Dã quỳ hoa vàng rực rỡ từng vạt dài, điểm xuyến giữa màu xanh chập chùng như cảnh thần tiên. Mimosa nhẹ nhàng, quý phái, e ấp giữa núi rừng hoang dã càng tăng thêm nét lãng mạn của cao nguyên. Khu du lịch sinh thái thác Hang Cọp hiện ra trước mắt chúng tôi với dáng vẻ hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng.
Mua vé vào cửa 7.000 đ/người và xe. Trong khoảng sân đầy hoa rừng, cỏ dại, chúng tôi bắt gặp tượng “chúa tể sơn lâm” dũng mãnh, cao khoảng 5 m, dài non 10 m, đứng trên một gò đất, ngước cổ như đang gầm thét. Men theo lối mòn quanh co, khúc khuỷu xuống một thung lũng hẹp, rừng đại ngàn thâm u, bí hiểm, khói sương mù mịt, một cây cầu treo lơ lửng giăng ngang mặt thác, trên độ cao 50 m. Tiếng thác va vào đá phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm. Bên cạnh thác có một hang đá thiên nhiên rộng chừng hai gian nhà bếp, có 3 ngăn, 1 ngách và 2 miệng. Người Chi’ll gọi là Hang Cọp. Theo truyền thuyết của người Chi’ll, xưa kia, tại vùng rừng núi này có một con cọp rất hung dữ hoành hành. Người ta rất khiếp sợ và gọi cọp bằng “ông Ba Mươi”. Một dũng sĩ người Chi’ll dũng cảm, quyết tâm trừ hại cho dân, sau nhiều ngày theo dõi, chàng đã gặp và “tặng” con cọp hung dữ ấy một mũi tên vào chân. “Chúa sơn lâm” đau đớn vùng chạy vào trong rừng sâu, từ đó không thấy xuất hiện nữa. Hiện nay, gần thác Hang Cọp có tượng dũng sĩ người Chi’ll đang giương nỏ bắn cọp.
Khi hoàng hôn phủ xuống núi đồi, ánh mặt trời vàng nhạt xuyên qua những rừng thông cao vút rồi dần tắt lịm, lá cây hoa Móng Cọp khép mắt lại, là lúc muôn vàn âm thanh của rừng cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiếng rừng thông lao xao, rì rào; tiếng chim bay về núi táo tác giữa không gian hoang sơ, u tịch và nổi lên, gờn gợn trong bóng chiều cô quạnh là tiếng “cọp gầm” đều đặn phát ra từ phía ngọn thác huyền thoại, có lúc ta giật mình tưởng như thật.
Đêm đến, khi ánh trăng nhô qua triền núi tỏa ánh sáng xanh trong huyền hoặc, sương mờ lãng đãng vấn vương trên ngàn cây ngọn cỏ... chúng tôi bày ra giữa sân nhà sàn một vò rượu cần, vừa đủ các thành viên ngà ngà say với thịt gà rừng luộc chấm muối ớt ăn kèm cùng măng chua. Cá lóc ở hồ, suối, thịt dẻ, ngon ngọt không thua cá ở đồng bằng... Một đêm trong rừng, bên thác Hang Cọp với nhiều cảm xúc lâng lâng trôi qua trong giấc ngủ yên bình, sảng khoái với cái rét dìu dịu trên độ cao 1.500 m.
Nếu đến thác Hang Cọp, hoặc các danh lam thắng cảnh, hay những bản làng của các dân tộc trên cao nguyên Lâm Viên vào những dịp lễ, tết, lễ hội Mừng lúa mới của người M’nông, lễ hội Ăn trâu của người K’ho, lễ cúng Thần Suối của dân tộc Mạ, lễ cúng Thần Bơ Mung của dân tộc Chu-Ru, bạn sẽ được dịp hòa nhập vào sinh hoạt, lễ hội của người dân tộc. Có thể bạn sẽ nắm tay một cô sơn nữ người Chi’ll xinh đẹp, cùng nhảy múa không biết mệt quanh ngọn lửa hồng trong đêm hội cồng chiêng nồng ấm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, hoang dã... Trước khi chia tay, nếu có may mắn, bạn sẽ được một cô gái K’ho, hoặc M’nông, hoặc Mạ “ngoéo tay” hẹn gặp lại. Ngón tay út của bạn và cô gái “móc ngoéo” vào nhau, đồng thời hai ngón tay cái chạm khít sát ở phần thịt đầu ngón, tạo ra hình trái tim là biểu hiện của tình cảm thơ ngây, hồn nhiên và sự luyến lưu, lãng mạn của người con gái núi rừng với người con trai phương xa, chẳng biết bao giờ gặp lại.
Thác Hang Cọp cách thành phố Đà Lạt 15 km về hướng Đông, thuộc ấp Túy Sơn, xã Xuân Thọ. Thác nằm giữa khu rừng thông với diện tích 308 ha, chiều cao thác chừng 50 m, dài hơn 500 m, trên đường từ Đà Lạt về Dran (Đơn Dương). Thác Hang Cọp có nhiều tên gọi khác như: thác Ông Cọp, thác Ông Thuận, thác Đạ Sar, thác Thiên Thai, thác Long Nhân...
Buổi sáng, trời cao nguyên vần vũ sương mây, chúng tôi lên đường khám phá thác Hang Cọp. Từ Quốc lộ 22, cách Trại Mát chừng 3 km, xe máy tẽ vào một con đường nhỏ lởm chởm đá cuội. Đi được gần 2 km, con đường bắt đầu hiểm trở và khá nguy hiểm với nhiều khúc quanh “cùi chỏ”, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Xe chầm chậm thả dốc xuống thung lũng hun hút, âm u... Tiếng thông reo vi vu, tiếng thác đổ ầm ì gợi cho chúng tôi thêm nhiều háo hức. Dã quỳ hoa vàng rực rỡ từng vạt dài, điểm xuyến giữa màu xanh chập chùng như cảnh thần tiên. Mimosa nhẹ nhàng, quý phái, e ấp giữa núi rừng hoang dã càng tăng thêm nét lãng mạn của cao nguyên. Khu du lịch sinh thái thác Hang Cọp hiện ra trước mắt chúng tôi với dáng vẻ hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng.
Mua vé vào cửa 7.000 đ/người và xe. Trong khoảng sân đầy hoa rừng, cỏ dại, chúng tôi bắt gặp tượng “chúa tể sơn lâm” dũng mãnh, cao khoảng 5 m, dài non 10 m, đứng trên một gò đất, ngước cổ như đang gầm thét. Men theo lối mòn quanh co, khúc khuỷu xuống một thung lũng hẹp, rừng đại ngàn thâm u, bí hiểm, khói sương mù mịt, một cây cầu treo lơ lửng giăng ngang mặt thác, trên độ cao 50 m. Tiếng thác va vào đá phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm. Bên cạnh thác có một hang đá thiên nhiên rộng chừng hai gian nhà bếp, có 3 ngăn, 1 ngách và 2 miệng. Người Chi’ll gọi là Hang Cọp. Theo truyền thuyết của người Chi’ll, xưa kia, tại vùng rừng núi này có một con cọp rất hung dữ hoành hành. Người ta rất khiếp sợ và gọi cọp bằng “ông Ba Mươi”. Một dũng sĩ người Chi’ll dũng cảm, quyết tâm trừ hại cho dân, sau nhiều ngày theo dõi, chàng đã gặp và “tặng” con cọp hung dữ ấy một mũi tên vào chân. “Chúa sơn lâm” đau đớn vùng chạy vào trong rừng sâu, từ đó không thấy xuất hiện nữa. Hiện nay, gần thác Hang Cọp có tượng dũng sĩ người Chi’ll đang giương nỏ bắn cọp.
Khi hoàng hôn phủ xuống núi đồi, ánh mặt trời vàng nhạt xuyên qua những rừng thông cao vút rồi dần tắt lịm, lá cây hoa Móng Cọp khép mắt lại, là lúc muôn vàn âm thanh của rừng cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiếng rừng thông lao xao, rì rào; tiếng chim bay về núi táo tác giữa không gian hoang sơ, u tịch và nổi lên, gờn gợn trong bóng chiều cô quạnh là tiếng “cọp gầm” đều đặn phát ra từ phía ngọn thác huyền thoại, có lúc ta giật mình tưởng như thật.
Đêm đến, khi ánh trăng nhô qua triền núi tỏa ánh sáng xanh trong huyền hoặc, sương mờ lãng đãng vấn vương trên ngàn cây ngọn cỏ... chúng tôi bày ra giữa sân nhà sàn một vò rượu cần, vừa đủ các thành viên ngà ngà say với thịt gà rừng luộc chấm muối ớt ăn kèm cùng măng chua. Cá lóc ở hồ, suối, thịt dẻ, ngon ngọt không thua cá ở đồng bằng... Một đêm trong rừng, bên thác Hang Cọp với nhiều cảm xúc lâng lâng trôi qua trong giấc ngủ yên bình, sảng khoái với cái rét dìu dịu trên độ cao 1.500 m.
Nếu đến thác Hang Cọp, hoặc các danh lam thắng cảnh, hay những bản làng của các dân tộc trên cao nguyên Lâm Viên vào những dịp lễ, tết, lễ hội Mừng lúa mới của người M’nông, lễ hội Ăn trâu của người K’ho, lễ cúng Thần Suối của dân tộc Mạ, lễ cúng Thần Bơ Mung của dân tộc Chu-Ru, bạn sẽ được dịp hòa nhập vào sinh hoạt, lễ hội của người dân tộc. Có thể bạn sẽ nắm tay một cô sơn nữ người Chi’ll xinh đẹp, cùng nhảy múa không biết mệt quanh ngọn lửa hồng trong đêm hội cồng chiêng nồng ấm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, hoang dã... Trước khi chia tay, nếu có may mắn, bạn sẽ được một cô gái K’ho, hoặc M’nông, hoặc Mạ “ngoéo tay” hẹn gặp lại. Ngón tay út của bạn và cô gái “móc ngoéo” vào nhau, đồng thời hai ngón tay cái chạm khít sát ở phần thịt đầu ngón, tạo ra hình trái tim là biểu hiện của tình cảm thơ ngây, hồn nhiên và sự luyến lưu, lãng mạn của người con gái núi rừng với người con trai phương xa, chẳng biết bao giờ gặp lại.