Đơn giản là một cái ôm từ ai đó trong cuộc đời này!
Nhiều khi một cái ôm còn có sức mạnh hơn hàng triệu lời có cánh và giá trị hơn cả núi quà đắt tiền. Nhất là khi người nhận cái ôm đó đang có những nỗi đau âm ỉ trong lòng, những trống rỗng vô hình, cả sự bất lực.
Tôi đã từng cảm nhận được hơi ấm từ những cái ôm như thế.
Cái ôm thứ nhất: Hồi đó tôi học lớp 4. Tôi sống trong một xóm nhỏ dưới chân cầu Thị Nghè. Hôm đó tôi đi học về, thấy bố đang đứng trên cái cầu gỗ cà tàng bắc ngang dòng kênh đen thui. Tôi nói với bố là tôi đã đạt danh hiệu học sinh giỏi văn và được vào đội tuyển đi thi cấp quận. Bố reo lên, sung sướng ôm tôi vào lòng. Lúc đó, tôi nhớ là tôi thấy xót xa lắm. Vì lúc choàng tay ôm lưng bố, tôi thấy bố gầy quá, gầy ơi là gầy. Vòng tay tôi ôm ngang lưng bố sao mà rộng quá, rộng ơi là rộng.
Tôi nhớ lại những lần bố hốt hoảng chạy tất tả trên đường phố mỗi khi công an đi dọn dẹp vỉa hè, rồi những lần bố buồn buồn nhìn chị em tôi chơi cờ cá ngựa, những cái áo sơmi sờn bạc, đôi gò má hốc hác. Tôi thấy nghèn nghẹn nơi cổ, nhưng miệng vẫn cười rất tươi... Không hề có một giọt nước mắt xúc động như những câu chuyện về tình cha con. Nhưng chẳng hiểu sao dù bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái ôm ấm áp đó của bố, và vòng tay rộng thênh thang của một đứa con gái 9 tuổi.
Cái ôm thứ hai: Đó là lúc tôi có thể thấu hiểu mọi ngóc ngách của câu: "Khi chạm vào tình yêu, người ta không còn sung sướng và bình yên nữa". Tôi trở nên yếu đuối, tuyệt vọng đến thảm thương. Cái gì là kiêu ngạo, là tự trọng, là kiêu hãnh, tôi vứt bỏ hết. Để rồi đau đớn đến mụ mị. Đó là những tháng ngày thật khủng khiếp. Nhưng chính trong thời gian đó, tôi mới hiểu hết ý nghĩa đích thực của một cái ôm. Đó là một buổi chiều mùa đông nắng hanh hanh âm ấm. Tôi nói với C. rằng mình không chịu nổi nữa, mình bế tắc rồi. Tôi òa khóc.
C. nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, một tay vỗ vỗ lưng tôi và không nói gì cả. Tôi không nhớ mình đã khóc trong bao lâu, đã la hét những gì. Nhưng tôi nhớ rằng cái ôm của C. rất ấm, và tôi cảm thấy lòng dịu đi rất nhiều. Tôi biết nỗi đau đã được chia sẻ. Và dù không thể kéo tôi lên khỏi vực sâu của vấn đề, nhưng cái ôm đó của C. đã giữ cho tôi không rơi xuống đáy vực.
Cái ôm thứ ba: Đó là khi bố hụt hẫng, tuyệt vọng về chuyện em tôi. Bố khóc. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn ông nào khóc tức tưởi như bố. Tim tôi như bị hàng tấn ximăng đè bẹp xuống. Chính lúc đó mẹ đã ôm bố vào lòng. Bố gục đầu vào ngực mẹ, khóc hu hu. Mẹ xoa đầu bố, xoa lưng bố. Mẹ cũng khóc, mẹ kêu tên bố, rồi lại vòng tay ôm lấy bố.
Đối với tôi, cái ôm đó trên chiếc ghế gỗ mục mà tôi vẫn thường ngồi học là cái ôm tuyệt vời nhất, dịu dàng nhất, yêu thương nhất, trìu mến nhất mà tôi được chứng kiến. Chưa bao giờ tôi nghi ngờ điều đó, cho đến tận hôm nay và kể cả sau này, khi đã già... Và dù sẽ đau khổ nhiều hơn, thất vọng nhiều hơn, tôi vẫn tin vào sức mạnh của cái ôm mẹ đã trao cho bố vào tối hôm ấy.
Ba cái ôm đã cho tôi ba bài học lớn của trái tim. Và tôi hiểu nỗi bất hạnh lớn nhất không phải là sự mất mát, mà là không có được một sự sẻ chia, dù đơn giản nhất, như một cái ôm từ ai đó trong cuộc đời này.
Tôi đã từng cảm nhận được hơi ấm từ những cái ôm như thế.
Cái ôm thứ nhất: Hồi đó tôi học lớp 4. Tôi sống trong một xóm nhỏ dưới chân cầu Thị Nghè. Hôm đó tôi đi học về, thấy bố đang đứng trên cái cầu gỗ cà tàng bắc ngang dòng kênh đen thui. Tôi nói với bố là tôi đã đạt danh hiệu học sinh giỏi văn và được vào đội tuyển đi thi cấp quận. Bố reo lên, sung sướng ôm tôi vào lòng. Lúc đó, tôi nhớ là tôi thấy xót xa lắm. Vì lúc choàng tay ôm lưng bố, tôi thấy bố gầy quá, gầy ơi là gầy. Vòng tay tôi ôm ngang lưng bố sao mà rộng quá, rộng ơi là rộng.
Tôi nhớ lại những lần bố hốt hoảng chạy tất tả trên đường phố mỗi khi công an đi dọn dẹp vỉa hè, rồi những lần bố buồn buồn nhìn chị em tôi chơi cờ cá ngựa, những cái áo sơmi sờn bạc, đôi gò má hốc hác. Tôi thấy nghèn nghẹn nơi cổ, nhưng miệng vẫn cười rất tươi... Không hề có một giọt nước mắt xúc động như những câu chuyện về tình cha con. Nhưng chẳng hiểu sao dù bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái ôm ấm áp đó của bố, và vòng tay rộng thênh thang của một đứa con gái 9 tuổi.
Cái ôm thứ hai: Đó là lúc tôi có thể thấu hiểu mọi ngóc ngách của câu: "Khi chạm vào tình yêu, người ta không còn sung sướng và bình yên nữa". Tôi trở nên yếu đuối, tuyệt vọng đến thảm thương. Cái gì là kiêu ngạo, là tự trọng, là kiêu hãnh, tôi vứt bỏ hết. Để rồi đau đớn đến mụ mị. Đó là những tháng ngày thật khủng khiếp. Nhưng chính trong thời gian đó, tôi mới hiểu hết ý nghĩa đích thực của một cái ôm. Đó là một buổi chiều mùa đông nắng hanh hanh âm ấm. Tôi nói với C. rằng mình không chịu nổi nữa, mình bế tắc rồi. Tôi òa khóc.
C. nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, một tay vỗ vỗ lưng tôi và không nói gì cả. Tôi không nhớ mình đã khóc trong bao lâu, đã la hét những gì. Nhưng tôi nhớ rằng cái ôm của C. rất ấm, và tôi cảm thấy lòng dịu đi rất nhiều. Tôi biết nỗi đau đã được chia sẻ. Và dù không thể kéo tôi lên khỏi vực sâu của vấn đề, nhưng cái ôm đó của C. đã giữ cho tôi không rơi xuống đáy vực.
Cái ôm thứ ba: Đó là khi bố hụt hẫng, tuyệt vọng về chuyện em tôi. Bố khóc. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn ông nào khóc tức tưởi như bố. Tim tôi như bị hàng tấn ximăng đè bẹp xuống. Chính lúc đó mẹ đã ôm bố vào lòng. Bố gục đầu vào ngực mẹ, khóc hu hu. Mẹ xoa đầu bố, xoa lưng bố. Mẹ cũng khóc, mẹ kêu tên bố, rồi lại vòng tay ôm lấy bố.
Đối với tôi, cái ôm đó trên chiếc ghế gỗ mục mà tôi vẫn thường ngồi học là cái ôm tuyệt vời nhất, dịu dàng nhất, yêu thương nhất, trìu mến nhất mà tôi được chứng kiến. Chưa bao giờ tôi nghi ngờ điều đó, cho đến tận hôm nay và kể cả sau này, khi đã già... Và dù sẽ đau khổ nhiều hơn, thất vọng nhiều hơn, tôi vẫn tin vào sức mạnh của cái ôm mẹ đã trao cho bố vào tối hôm ấy.
Ba cái ôm đã cho tôi ba bài học lớn của trái tim. Và tôi hiểu nỗi bất hạnh lớn nhất không phải là sự mất mát, mà là không có được một sự sẻ chia, dù đơn giản nhất, như một cái ôm từ ai đó trong cuộc đời này.