Anh Xanh thân yêu!
Được tin anh gặp tai nạn, em rất buồn. Thôi anh ạ, sông có khúc, người có lúc và lợn có thời kỳ. Đừng quá sợ và quá lo lắng khi tính mạng của anh giờ phút này đang nguy cấp.
Anh Xanh!
Anh nên bình tĩnh. Chắc anh cũng biết, tai không phải là bộ phận quá quan trọng trong cơ thể cao quý của chúng ta. Nói đến lợn, hay như nhiều địa phương còn gọi, nói tới heo, là phải bàn đến chân giò, đùi, mông, nạc, ba rọi... chứ tai không được nhấn mạnh, cùng lắm chỉ cắt ra ngâm dấm hoặc làm giò thủ mà thôi.
Tất nhiên, anh có thể cãi với em rằng anh chỉ có mỗi hai tai, chứ xương sườn đầy ra, và chân giò tới bốn chiếc. Cái gì hiếm ắt phải quý. Nhưng anh ơi, anh và em cũng chỉ có một cái đầu, mà đầu bọn mình cũng đã bao giờ được đánh giá cao đâu. Đầu heo là thứ bán rẻ nhất ở chợ, và em sợ rằng thời buổi này, các thứ đầu khác cũng chả khác bao nhiêu.
Anh cũng có thể cãi em rằng tai để nghe. Cuộc sống không nghe thì còn chi thú vị. Vậy anh thử suy xét kỹ, hằng ngày anh nghe được gì nào? Phần lớn là tin tức thức ăn cho heo lên giá hoặc bị làm giả, tin heo được giết mổ lậu là những tin thời sự. Còn tin văn nghệ thì nếu em không nhầm, ca nhạc chưa có bài hát nào về heo cả, điện ảnh mà quan tâm đến heo chỉ toàn ngụ ý xấu xa. Rõ ràng, nghe không quá cần thiết, quá mang lại nhiều cảm xúc như anh tưởng.
Tai xanh ơi!
Em không hề có ý coi thường bệnh của anh. Em biết một cách sâu sắc rằng trong mỗi con người (à quên, trong mỗi con heo) cũng như trong xã hội, một căn bệnh nhỏ cũng có thể dẫn đến bệnh to, và bất cứ sự coi thường nào cũng có khả năng không lường trước hậu quả. Song anh hãy có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hỡi anh thân yêu của em.
Chúng ta là heo. Chúng ta không phải cá vàng, không phải chim họa mi, nghĩa là xã hội nuôi chúng ta chả phải để ngắm, mà để làm thịt ăn.
Đầu tiên, chúng ta hãy vinh dự với vai trò đó. Có nhiều cách đóng góp cho nhân loại: kẻ bằng trí tuệ khoa học, kẻ bằng thơ ca, kẻ bằng bàn tay khéo léo, kẻ bằng những tư duy triết học táo bạo. Còn chúng ta thì đóng góp bằng xương thịt của mình. Bằng cách hầm chúng ta, nấu cháo chúng ta, kho và xào chúng ta, nhân loại dễ dàng hơn trong quá trình tiến hóa. Đấy chả đáng vinh dự hay sao?
Chúng ta, dù tai xanh, tai đỏ hay tai vàng, tai tím hoa sim cũng còn hơn tất cả lũ chuột hay lũ ruồi muỗi bất kể tai chúng màu gì. Quá trình đóng góp cho tiến bộ xã hội, dù về phương diện ẩm thực cũng như bất cứ phương diện nào, là một quá trình gian khổ, trong đó dĩ nhiên có hy sinh, mất mát và nhiều sai lầm, nhiều tai nạn.
Em biết anh chả tiếc thân mình. Thứ nhất, thân anh xưa nay cũng chả phải của anh (giống hệt như em vậy). Thứ hai, anh đã được giáo dục rằng thiên đường của chúng ta không phải ở trong chuồng, mà trong cửa hiệu, rồi trong đĩa người xơi.
Do đó, việc bị tai xanh khiến anh đau buồn. Anh sợ rằng bị mất cơ hội cống hiến. Trên đời có nhiều loại cống hiến. Có loại liên tục, có loại một năm xét một lần và có loại cả đời một lần. Anh và em thuộc loại thứ ba.
Thật chả có gì khổ tâm bằng cả năm ăn chơi, tắm giặt, kêu ủn ỉn sau đó kết thúc cuộc sống trong một hố chôn chung. Ra đi như thế quá âm thầm, quá bất công và uổng phí.
Hỡi tai xanh anh dũng!
Đừng vội bi quan. Tình thế của anh không hề tuyệt vọng như anh nghĩ.
Từ khi chế tạo ra heo, con người cũng đã chế tạo ra hàng ngàn cách chế biến. Xả thịt ra rồi kho, rồi luộc là những cách quá tầm thường. Anh và em còn được làm nem, làm chà bông, làm giò chả, làm xúc xích, lạp xưởng. Mà những món tuyệt diệu này, như anh đã biết, đang có hàng ngàn nơi chế biến. Nếu cái chết đối với chúng ta là thiên đường, thì thiên đường dành cho heo nhiều hơn sao trên trời vào lúc đêm hè.
Ở những thiên đường đó, họ cùng lắm chỉ quan tâm đến mỡ và thịt, chả ai bận lòng với màu của tai, màu của răng, màu của gan hay màu của đủ thứ. Chúng ta hoàn toàn có quyền mang tất cả màu, kể cả những màu mà các họa sĩ thiên tài cũng chưa biết tới.
Rồi họ cho phẩm vào, rồi họ cho nước mắm vào, rồi họ cho va-ni, húng lìu và trăm nghìn thứ khác thuộc về bí mật quân sự. Các sản phẩm ra đều có hình thức và mùi vị giống hệt nhau. Hay có khác nhau tí chút thì những cái mũi, những cái mồm của công chúng vốn hằng ngày đã bận bao công việc, đã nếm đủ thứ linh tinh cũng chả sức đâu mà phân biệt.
Do đó, khả năng cống hiến của anh hoàn toàn không phải tuyệt vọng như anh vội tưởng. Anh còn dấn thân vô chả quế, anh còn hớn hở đến chỗ nem chua. Anh dễ dàng vào phòng đông lạnh. Anh chả có lý do gì để tuyệt vọng, anh Xanh của em ơi.
Anh Xanh yêu dấu!
Tại sao em viết thư này? Tại vì chúng ta đôi lúc chả khác gì ruột thịt. Em là heo quay. Heo quay nào cũng đỏ rực và nóng giòn. Nhưng anh ơi, trước khi màu đỏ, em màu gì? Đấy là điều bí mật của thế kỷ. Em tiết lộ riêng với anh, xin anh đừng nói với ai, nhất là đám tò mò có tên người tiêu dùng. Trước khi màu đỏ, rất nhiều lúc em có đủ mọi màu, kể cả màu tím tái hoặc màu xanh. Mà chả phải chỉ xanh tai đâu nhé. Xanh cả toàn thân, xanh lè, xanh da trời, xanh nước biển hoặc xanh như [ ngữ cấm ] nhái em cũng đều từng có cả, anh ơi. Và có vì vậy mà ai ăn heo quay phải xanh mặt đâu. Họ vẫn ăn, và nếu họ nôn ra mật xanh mật vàng thì họ thiếu gì cách giải thích. Đã thế, em chẳng những được ăn, em còn được cúng cơ mà. Em đã vượt lên khỏi món ẩm thực thông thường. Em trở thành một thứ tâm linh.
Hỡi anh Xanh!
Hãy ngẩng cao đầu! Không ai ngăn cản ta cống hiến, nếu họ còn có lòng tham. Tưởng tượng một thế giới không còn lòng tham, khác nào tưởng tượng một đại dương không còn nước biển.
Chúc anh vững tin và lạc quan!
Được tin anh gặp tai nạn, em rất buồn. Thôi anh ạ, sông có khúc, người có lúc và lợn có thời kỳ. Đừng quá sợ và quá lo lắng khi tính mạng của anh giờ phút này đang nguy cấp.
Anh Xanh!
Anh nên bình tĩnh. Chắc anh cũng biết, tai không phải là bộ phận quá quan trọng trong cơ thể cao quý của chúng ta. Nói đến lợn, hay như nhiều địa phương còn gọi, nói tới heo, là phải bàn đến chân giò, đùi, mông, nạc, ba rọi... chứ tai không được nhấn mạnh, cùng lắm chỉ cắt ra ngâm dấm hoặc làm giò thủ mà thôi.
Tất nhiên, anh có thể cãi với em rằng anh chỉ có mỗi hai tai, chứ xương sườn đầy ra, và chân giò tới bốn chiếc. Cái gì hiếm ắt phải quý. Nhưng anh ơi, anh và em cũng chỉ có một cái đầu, mà đầu bọn mình cũng đã bao giờ được đánh giá cao đâu. Đầu heo là thứ bán rẻ nhất ở chợ, và em sợ rằng thời buổi này, các thứ đầu khác cũng chả khác bao nhiêu.
Anh cũng có thể cãi em rằng tai để nghe. Cuộc sống không nghe thì còn chi thú vị. Vậy anh thử suy xét kỹ, hằng ngày anh nghe được gì nào? Phần lớn là tin tức thức ăn cho heo lên giá hoặc bị làm giả, tin heo được giết mổ lậu là những tin thời sự. Còn tin văn nghệ thì nếu em không nhầm, ca nhạc chưa có bài hát nào về heo cả, điện ảnh mà quan tâm đến heo chỉ toàn ngụ ý xấu xa. Rõ ràng, nghe không quá cần thiết, quá mang lại nhiều cảm xúc như anh tưởng.
Tai xanh ơi!
Em không hề có ý coi thường bệnh của anh. Em biết một cách sâu sắc rằng trong mỗi con người (à quên, trong mỗi con heo) cũng như trong xã hội, một căn bệnh nhỏ cũng có thể dẫn đến bệnh to, và bất cứ sự coi thường nào cũng có khả năng không lường trước hậu quả. Song anh hãy có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hỡi anh thân yêu của em.
Chúng ta là heo. Chúng ta không phải cá vàng, không phải chim họa mi, nghĩa là xã hội nuôi chúng ta chả phải để ngắm, mà để làm thịt ăn.
Đầu tiên, chúng ta hãy vinh dự với vai trò đó. Có nhiều cách đóng góp cho nhân loại: kẻ bằng trí tuệ khoa học, kẻ bằng thơ ca, kẻ bằng bàn tay khéo léo, kẻ bằng những tư duy triết học táo bạo. Còn chúng ta thì đóng góp bằng xương thịt của mình. Bằng cách hầm chúng ta, nấu cháo chúng ta, kho và xào chúng ta, nhân loại dễ dàng hơn trong quá trình tiến hóa. Đấy chả đáng vinh dự hay sao?
Chúng ta, dù tai xanh, tai đỏ hay tai vàng, tai tím hoa sim cũng còn hơn tất cả lũ chuột hay lũ ruồi muỗi bất kể tai chúng màu gì. Quá trình đóng góp cho tiến bộ xã hội, dù về phương diện ẩm thực cũng như bất cứ phương diện nào, là một quá trình gian khổ, trong đó dĩ nhiên có hy sinh, mất mát và nhiều sai lầm, nhiều tai nạn.
Em biết anh chả tiếc thân mình. Thứ nhất, thân anh xưa nay cũng chả phải của anh (giống hệt như em vậy). Thứ hai, anh đã được giáo dục rằng thiên đường của chúng ta không phải ở trong chuồng, mà trong cửa hiệu, rồi trong đĩa người xơi.
Do đó, việc bị tai xanh khiến anh đau buồn. Anh sợ rằng bị mất cơ hội cống hiến. Trên đời có nhiều loại cống hiến. Có loại liên tục, có loại một năm xét một lần và có loại cả đời một lần. Anh và em thuộc loại thứ ba.
Thật chả có gì khổ tâm bằng cả năm ăn chơi, tắm giặt, kêu ủn ỉn sau đó kết thúc cuộc sống trong một hố chôn chung. Ra đi như thế quá âm thầm, quá bất công và uổng phí.
Hỡi tai xanh anh dũng!
Đừng vội bi quan. Tình thế của anh không hề tuyệt vọng như anh nghĩ.
Từ khi chế tạo ra heo, con người cũng đã chế tạo ra hàng ngàn cách chế biến. Xả thịt ra rồi kho, rồi luộc là những cách quá tầm thường. Anh và em còn được làm nem, làm chà bông, làm giò chả, làm xúc xích, lạp xưởng. Mà những món tuyệt diệu này, như anh đã biết, đang có hàng ngàn nơi chế biến. Nếu cái chết đối với chúng ta là thiên đường, thì thiên đường dành cho heo nhiều hơn sao trên trời vào lúc đêm hè.
Ở những thiên đường đó, họ cùng lắm chỉ quan tâm đến mỡ và thịt, chả ai bận lòng với màu của tai, màu của răng, màu của gan hay màu của đủ thứ. Chúng ta hoàn toàn có quyền mang tất cả màu, kể cả những màu mà các họa sĩ thiên tài cũng chưa biết tới.
Rồi họ cho phẩm vào, rồi họ cho nước mắm vào, rồi họ cho va-ni, húng lìu và trăm nghìn thứ khác thuộc về bí mật quân sự. Các sản phẩm ra đều có hình thức và mùi vị giống hệt nhau. Hay có khác nhau tí chút thì những cái mũi, những cái mồm của công chúng vốn hằng ngày đã bận bao công việc, đã nếm đủ thứ linh tinh cũng chả sức đâu mà phân biệt.
Do đó, khả năng cống hiến của anh hoàn toàn không phải tuyệt vọng như anh vội tưởng. Anh còn dấn thân vô chả quế, anh còn hớn hở đến chỗ nem chua. Anh dễ dàng vào phòng đông lạnh. Anh chả có lý do gì để tuyệt vọng, anh Xanh của em ơi.
Anh Xanh yêu dấu!
Tại sao em viết thư này? Tại vì chúng ta đôi lúc chả khác gì ruột thịt. Em là heo quay. Heo quay nào cũng đỏ rực và nóng giòn. Nhưng anh ơi, trước khi màu đỏ, em màu gì? Đấy là điều bí mật của thế kỷ. Em tiết lộ riêng với anh, xin anh đừng nói với ai, nhất là đám tò mò có tên người tiêu dùng. Trước khi màu đỏ, rất nhiều lúc em có đủ mọi màu, kể cả màu tím tái hoặc màu xanh. Mà chả phải chỉ xanh tai đâu nhé. Xanh cả toàn thân, xanh lè, xanh da trời, xanh nước biển hoặc xanh như [ ngữ cấm ] nhái em cũng đều từng có cả, anh ơi. Và có vì vậy mà ai ăn heo quay phải xanh mặt đâu. Họ vẫn ăn, và nếu họ nôn ra mật xanh mật vàng thì họ thiếu gì cách giải thích. Đã thế, em chẳng những được ăn, em còn được cúng cơ mà. Em đã vượt lên khỏi món ẩm thực thông thường. Em trở thành một thứ tâm linh.
Hỡi anh Xanh!
Hãy ngẩng cao đầu! Không ai ngăn cản ta cống hiến, nếu họ còn có lòng tham. Tưởng tượng một thế giới không còn lòng tham, khác nào tưởng tượng một đại dương không còn nước biển.
Chúc anh vững tin và lạc quan!