Những người cổ vũ cho lối sống này cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế, các giá trị đạo đức truyền thống có thể có những điều đã lỗi thời thì sống thử có nhiều điều tốt. Họ cho rằng nguyên nhân gây nên bất hạnh của nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, là do người ta đã không hiểu đầy đủ về nhau, sau khi kết hôn mới thấy không hợp nhau về nhiều phương diện, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình không thể điều hoà được và dẫn đến bất hạnh, ly hôn và nhiều hệ luỵ khác. Vì vậy, họ cho rằng, trước khi kết hôn, người ta nên thử sống chung như vợ chồng một thời gian, nếu thấy phù hợp thì mới chính thức đăng ký kết hôn, còn không thì thôi, chia tay nhau đường ai lấy đi, làm lại từ đầu cuộc sống hôn nhân gia đình của mình, không cần ai can thiệp.
Công bằng mà nói thì lớp trẻ có quyền bảo vệ đạo đức theo quan niệm của họ. Mà quan niệm về đạo đức qua mỗi thế hệ cũng có sự khác nhau, không nên và không thể áp đặt được. Lớp trẻ ngày nay giao lưu rộng rãi với thế giới, nhiều người không coi trọng sự trinh tiết nữa, họ coi việc có đời sống tình dục trước hôn nhân là chuyện bình thường.
Trường hợp “sống thử” thành công, cũng chẳng có gì đảm bảo là sống thật cũng sẽ thành công như thế: Giả sử sau 2 năm sống thử, hai bạn thấy rất hợp nhau và quyết định tiến tới hôn nhân hợp pháp. Lúc này bạn mới đối mặt với những thực tê mới hoàn toàn. Đó là những vấn đề mới nảy sinh chỉ có sau khi kết hôn: quan hệ kinh tế sâu hơn, ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng, con cái; cha mẹ, họ hàng, bạn bè, sự nghiệp của cả hai người v.v... có ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình mới của bạn. Cuộc sống thực sự mới phức tạp hơn nhiều và bây giờ các bạn còn thấy hợp nhau nữa không mới là điều quyết định. Một ví dụ hiển nhiên về sự khác nhau này là khi còn chưa kết hôn chính thức bạn sẽ không muốn và cũng không thể được phép thực hiện được các nghĩa vụ với gia đình chồng (hoặc vợ), song bây giờ thì đó là một việc bình thường phải có. Có rất nhiều ví dụ khác tương tự chứng minh rằng kinh nghiệm trong khi “sống thử” chẳng có tác dụng là bao trong cuộc sống hôn nhân chính thức về sau, vì khi đó hoàn cảnh là khác hẳn.
Trường hợp “sống thử” không thành công, chắc chắn là bất lợi cho hôn nhân về sau của bạn: Cũng giả sử sau 2 năm “sống thử”, các bạn chia tay vì thấy không hợp nhau. Sau đó bạn gặp và yêu một đối tượng mới, bạn có dám tiếp tục “sống thử” nữa không. Đa số người ta sẽ không dại gì phí mãi thời gian và tuổi xuân như thế nữa. Hơn nữa đối tượng mới của bạn, nếu người ấy là người có hiểu biết vừa phải, công bằng mà nói, sẽ coi bạn là người đã có một đời chồng (hay vợ) vì chính bạn coi “sống thử” là sống như vợ chồng mà. Người đó có quyền “trừ điểm” của bạn trong cuộc hôn nhân mới này (bởi người ấy không được bạn giành cho 1 quãng đời đẹp nhất của bạn – thế mới công bằng, sòng phẳng). Dù quan niệm hiện đại đến đâu thì cũng phải công nhận rằng người đã qua cuộc sống vợ chồng rồi (dù là thử) thì phải bị “trừ điểm” so với những người bình thường - nếu không phải thế thì những người ly dị đã có nhiều cơ hội kết hôn lại hơn những người chưa kết hôn lần nào kết hôn lần đầu.
Cuộc sống chỉ có một, những gì trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Con người phải biết trân trọng từng giây cuộc sống. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động để không phải hối hận vì đã sống hoài, sống phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời mình - Tuổi trẻ lẽ nào lại phí tổn một quãng đời thực cho một điều Không thể làm, (mà dù có thể thì cũng) Không nên làm, Không cần thiết phải làm như vậy.