Câu chuyện thứ nhất
AT - Nga lên thành phố học đại học với ước mơ trở về phát triển quê hương mình bằng con đường du lịch. Trọ cùng phòng với Nga là Phương và Hoa, cả ba cùng là dân tỉnh nên cũng khá hiểu nhau. Phương học cùng lớp Nga, Hoa học khác lớp.
Nga và Phương là dân tỉnh nên ban đầu cảm thấy khó khăn khi hòa đồng với lớp. Thường cả hai chỉ lo vùi đầu vào sách vở, ít quan tâm đến các phong trào trong lớp. Ngoài giờ học Nga làm gia sư để kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt.
Hoa là người thích mơ mộng, lại một thân một mình sống xa nhà nên cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Để lấp đi khoảng trống đó, Hoa đồng ý quen Thành, sinh viên cùng trường. Chỉ sau một thời gian quen nhau, Hoa đồng ý cùng “góp gạo” sống chung với Thành, bất chấp lời khuyên can của Nga và Phương.
Hoa đi rồi thì Quỳnh dọn về cùng phòng của Nga và Phương. Ban đầu hai người hơi bất ngờ vì Quỳnh cũng là dân tỉnh nhưng gia đình thuộc loại khá giả, Quỳnh dư sức thuê một phòng đầy đủ tiện nghi cho mình hơn là chen vào căn phòng nhỏ này.
Kỳ thi học kỳ 2 gần kề, mọi người vùi đầu vào học ôn, còn những cậu ấm cô chiêu vẫn không màng đến chuyện học hành. Trong phòng thi, ngồi trước Nga là Hương, cũng là một dân ăn chơi, thường xuyên vắng mặt trong lớp. Bài làm của Hương chỉ có nửa trang giấy trắng nhưng khi có kết quả thi thì Hương lại được điểm 8. Nga cảm thấy khó hiểu.
Về phòng, Nga nói với Phương, Phương cũng cảm thấy bất bình. Hai người học ngày học đêm mà chỉ đạt điểm 8, còn bài của Hương như vậy cũng bằng điểm hai người thì quá vô lý. Hai người về hỏi điểm của Quỳnh, Quỳnh đạt điểm 6. Khi Phương đề cập đến điểm của Hương thì Quỳnh cũng thấy bất bình, quyết làm ra lẽ.
Quỳnh lân la làm quen với nhóm của Hương (cũng toàn là dân ăn chơi thứ thiệt). Hương nói cho Quỳnh bí quyết của mình là “tiền”. Hương đã đến nhà cô giáo xin nâng điểm bài thi cho mình, cả những bạn trong nhóm Hương cũng thế.
Quỳnh về nói lại cho Nga và Phương, hai người cũng cảm thấy bất bình nhưng đành chịu, vì họ có tiền biết làm gì hơn. Nhưng Quỳnh nhất quyết không bỏ qua vụ này, Quỳnh rủ Nga và Phương lên gặp thầy trưởng khoa để đề cập đến chuyện này, thầy bảo không có chứng cứ thì không làm được gì. Nga và Phương khuyên Quỳnh bỏ qua vụ này cho êm chuyện, sợ thầy cô khác biết được thì học kỳ sau cả ba lại bị đì. Quỳnh không nghe theo lời của hai bạn, một mình lên phòng thầy hiệu trưởng khuyến cáo. Thầy cảm thấy bất ngờ nhưng cũng hứa chuyện này không xảy ra lần nữa, các bài thi lần sau nhất định được rọc phách cẩn thận. Với lời hứa của thầy, Quỳnh vui vẻ ra về.
Các sinh viên thi rớt lần 1 biết được mánh lới của Hương nên định áp dụng cho lần 2, mong thầy cô vớt vát cho qua. Nhưng lần thi này dưới sự kiểm tra gắt gao của thầy hiệu trưởng, điểm thi được chấm công bằng. Nhiều sinh viên lười học phải học lại, bù cho những ngày đi ăn chơi của mình. Sau vụ này, Nga và Phương khâm phục Quỳnh sát đất.
Câu chuyện thứ hai
Qua học kỳ 3, Nga không làm gia sư nữa mà xin vào làm phục vụ cho một quán nhậu đêm vì ở quê nhà thất mùa, cha mẹ không đủ tiền gửi lên cho Nga đóng học phí. Ngày ngày Nga làm đến 23g mới về. Ngủ không đủ nên nhiều lúc Nga ngủ quên trên lớp học khiến việc học bị bê trễ.
Học kỳ này lớp học môn tiếp thị du lịch do thầy Quốc đảm trách. Thầy là người nóng nảy, thường xuyên quát nạt lớp, khiến nhiều sinh viên cảm thấy chán ghét môn học này nhưng không dám nói ra, vì học kỳ này nhà trường đề ra cách thức mới chấm điểm thi hết môn bằng cách lấy 40% điểm giữa kỳ và 60% điểm thi cuối kỳ. Trong 40% ấy bao gồm điểm chuyên cần, thuyết trình trước lớp và chuẩn bị bài tập. Vì thế bắt buộc sinh viên phải tham dự lớp thường xuyên, nhưng cũng vì đó sinh viên không dám làm phật lòng thầy cô.
Bề ngoài thầy Quốc nóng nảy hay la mắng sinh viên (thường là sinh viên nữ), nhưng đến tối thầy lại gọi điện thoại xin lỗi rồi dặn dò đủ thứ. Ban đầu ai cũng nghĩ rằng thầy tốt bụng, khẩu xà tâm phật, đến khi xảy ra chuyện của Phương mới vỡ lẽ ra.
Phương thuộc tuýp người hiền dịu lại khá dễ thương nên được thầy để ý đến. Phương cũng bị thầy la mắng vì tội không chú ý đến bài trong lớp. Thầy bảo sẽ không cho Phương điểm giữa kỳ làm Phương lo sợ vô cùng. Nghe các bạn trong lớp bảo thầy hiền, năn nỉ thầy sẽ bỏ qua, Phương gọi điện xin lỗi thầy, thầy hẹn Phương ra quán nước, nói chuyện đông chuyện tây rồi khoe khoang quen các thầy cô trưởng khoa trong trường, điểm số do thầy quyết định. Từ đó Phương không dám làm phật lòng thầy, chuyện gì cũng nghe răm rắp theo thầy.
Nga lo lắng cho tình hình học tập của mình ngày càng bị sa sút nhưng lại không thể từ bỏ công việc. Trong quán Nga có quen ông Long là khách quen của quán, thấy Nga siêng năng, xinh xắn ông có ý làm “ba nuôi” cho Nga. Ông hứa sẽ lo cho Nga ăn học, còn giúp Nga gửi tiền về lo cho gia đình. Những lời đề nghị của ông Long làm Nga phân vân.
Một hôm Phương nhận được tin nhắn của thầy Quốc rủ Phương đi Vũng Tàu chơi qua đêm, chỉ có hai thầy trò. Những lần trước thầy chỉ hẹn Phương đi coi phim hay vào quán cà phê trò chuyện. Nhưng lần này Phương cảm thấy lo sợ, không biết quyết định như thế nào. Nếu từ chối thì sợ thầy giận, còn nhận lời thì không biết điều gì xảy ra khi hai người qua đêm như vậy.
Thấy Phương lúc bần thần, lúc bồn chồn nên Quỳnh hỏi xem Phương gặp chuyện gì. Phương tâm sự với Quỳnh về tình hình của mình lúc này. Nghe xong Quỳnh cảm thấy vừa tức giận vừa thất vọng về thầy. Tuy không ưa thầy hay la mắng lớp, nhưng nghĩ kỹ thì đôi khi lời thầy nói cũng đúng. Nhưng bây giờ biết rõ bộ mặt trơ tráo của thầy thì Quỳnh cảm thấy giận. Quỳnh bảo Phương phải từ chối thẳng thừng, không để thầy xỏ mũi. Còn về điểm thi thì Quỳnh trấn an Phương vì bài thi sẽ được rọc phách theo như lời thầy hiệu trưởng, điểm giữa kỳ thầy phải tính theo những gì đã công bố trước lớp đầu học kỳ, nếu không sẽ kiện thầy. Nghe những lời dứt khoát của Quỳnh, Phương an tâm từ chối lời mời khiếm nhã của thầy.
Nga tâm sự với Phương về chuyện của mình và dặn không cho Quỳnh biết vì sợ Quỳnh sẽ ngăn cản quyết định của mình. Nga đã định sẽ nhận lời về sống chung với ông Long, như vậy sẽ không còn lo chuyện tiền nong, còn giúp được cha mẹ, yên tâm học hành. Phương nghe xong liền phản đối quyết định của Nga, nhưng Nga không nghe vì đang cần tiền. Về việc tiền nong, Phương cũng không giúp gì được cho Nga.
Lo cho Nga, Phương đánh bạo nói với Quỳnh, hi vọng Quỳnh có thể cho Nga một lời khuyên giống như rắc rối của Phương với thầy lần trước. Nghe Phương nói xong, Quỳnh tìm Nga mắng cho một trận vì suy nghĩ chưa chín chắn. Nga giận Phương và không chịu nghe lời khuyên của Quỳnh.
Quỳnh tìm đến quán của Nga đang làm việc. Thấy Nga đang ngồi với ông Long, Quỳnh cũng vào ngồi cùng phá đám. Quỳnh bảo rằng mình vừa đến gặp vợ ông Long và cho biết chuyện của Nga, dọa rằng vợ ông đang đi tìm ông. Nghe đến đây ông giận dữ chửi rủa Quỳnh và Nga rồi rời khỏi quán. Từ đó không thấy ông đến quán này nữa.
Nga nhận ra bộ mặt thật của ông Long nên nghe theo lời Quỳnh từ bỏ công việc ở quán nhậu phức tạp này. Quỳnh giới thiệu Nga với quản lý của một khách sạn cao cấp, xin cho Nga làm công việc lễ tân của khách sạn. Công việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc hiện đại lại được thực tập tiếng Anh nên Nga nhận lời.
Cuối học kỳ, thầy Quốc công bố điểm giữa kỳ. Phương chỉ đạt 1 điểm làm Quỳnh cảm thấy bất bình. Quỳnh và Phương gặp thầy gặng hỏi, thầy bảo chấm theo thái độ học tập của từng sinh viên. Quỳnh và Phương không thể cãi lại thầy. Phương bảo Quỳnh bỏ qua chuyện này và chỉ cần cố gắng cũng có thể qua được bài kiểm thi cuối học kỳ. Nhưng Quỳnh nhất quyết làm sáng tỏ vụ này.
Quỳnh lên mạng của trường lập diễn đàn nói về chuyện các thầy thiếu thốn tình cảm, lợi dụng tình cảm của sinh viên. Không ngờ nhiều sinh viên trong trường cũng từng bị thầy lợi dụng đứng ra kể tội thầy. Không những thế Quỳnh kể vụ việc cho Nhân, ủy viên hội sinh viên của trường, nhờ Nhân lên tiếng giúp. Nhân mở cuộc họp với các chi hội xin ý kiến, các chi hội đồng lòng ủng hộ, quyết tâm không để chuyện này xảy trong trường.
Chuyện đến tai thầy hiệu trưởng, nghe đâu thầy mở cuộc họp kín kiểm điểm giáo viên trong trường. Tuy điểm của Phương không thể sửa lại nhưng mọi người cảm thấy vui vì chuyện này sẽ không xảy ra trong trường nữa, có lẽ thầy Quốc cũng được một bài học, không dám lợi dụng tình cảm của sinh viên nữa.
Câu chuyện thứ ba
Để kỷ niệm ngày thành lập trường, đoàn trường tổ chức cuộc thi “ý tưởng du lịch”. Sinh viên tham gia theo nhóm, đưa ra ý tưởng khả thi để phát triển ngành du lịch trong nước, bài đoạt giải sẽ được xét duyệt làm bài luận cuối khóa và đoạt học bổng của trường. Nga, Phương và Quỳnh quyết định tham gia cuộc thi này và rủ thêm Nhân.
Cả bốn cùng tổng hợp các ý kiến thu thập được rồi phân tích và kết luận “du lịch Việt Nam còn thiếu sự nhiệt tình” mà trong sự nhiệt tình nụ cười là quan trọng nhất. Cả nhóm quyết định chọn “Nụ cười du lịch” làm đề tài dự thi.
Vì đề tài của nhóm là “Nụ cười du lịch” nên khi lên thuyết trình mọi người phải cười thật tươi. Nhân, Phương, Quỳnh thì không thành vấn đề nhưng Nga đang lo lắng cho tình hình của cha mẹ nên khó mà cười khi thuyết trình. Cả ba phải liên tục khuyên nhủ, động viên, Nga mới dẹp chuyện riêng qua một bên để tập trung vào bài thuyết trình vì công sức của nhóm, vì cha mẹ đã cực khổ nuôi Nga ăn học đến nay. Cuối cùng bài thuyết trình của nhóm hoàn thành tốt đẹp.
Khi công bố giải thưởng cuộc thi, dự án của nhóm đoạt giải nhất. Nga bật khóc vì vui trong vòng tay của bạn bè.
Khi ra đến cổng trường mọi người gặp Hoa đang đứng tần ngần nhìn cổng trường đại học. Phương và Nga đến hỏi thăm mới biết Hoa đang mang thai phải bỏ học giữa chừng. Hoa quyết định về quê, lần này đến nhìn cánh cổng đại học lần cuối. Cô ân hận chỉ vì không suy xét kỹ vấn đề, tin tưởng những lời đường mật của Thành. Khi biết Hoa có mang, Thành bỏ đi mất, Hoa một mình không biết phải thế nào nên quyết định nghỉ học về quê sinh con, cầu xin cha mẹ tha thứ. Nga và Phương không biết làm gì để giúp Hoa, chỉ mong Hoa không từ bỏ giảng đường bởi con đường phía trước vẫn đang chờ đón Hoa. Hoa mỉm cười chào hai bạn và hứa sẽ quay lại giảng đường.
Khi về đến phòng trọ, Nga nhận được tin của bà chủ nhà trọ báo rằng cha mẹ của Nga đã di dời đến nơi an toàn để tránh bão, nhắn Nga không cần lo lắng về cha mẹ. Nga ôm Phương và Quỳnh khóc vì vui mừng cho cha mẹ. Tuy bão chưa dứt nhưng mọi người tin rằng sẽ vượt qua được mọi khó khăn.