DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


    Sen sẽ là quốc hoa?

    dodo
    dodo
    Trưởng phòng
    Trưởng phòng


    Tổng số bài gửi : 573
    Cảm ơn : 63

    Sen sẽ là quốc hoa? Empty Sen sẽ là quốc hoa?

    Bài gửi by dodo 2010-06-18, 12:51

    TP - Việt Nam có thực sự cần quốc hoa? Quốc hoa có mang lại lợi ích gì cho cộng đồng? Băn khoăn này của TS Lê Thị Minh Lý nhận được nhiều câu trả lời tại hội thảo “Quốc hoa Việt Nam: Sự cần thiết tôn vinh và tiêu chí lựa chọn” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 16-6.
    Sen sẽ là quốc hoa? ImageHandler
    Sen bách cánh Tây Hồ . Ảnh: Đỗ Đức
    87% người được khảo sát khẳng định cần

    Đáp lời bà Minh Lý (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch - VHTTDL), ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam với tư cách nhà ngoại giao văn hóa khẳng định, rất cần quốc hoa như biểu tượng để quảng bá văn hóa: “Trong khi chúng ta đang triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao văn hóa thì quốc hoa, quốc phục là rất cần thiết”.

    Cũng theo ông, để chọn một loài hoa tiêu biểu, đặc trưng thì nhất thiết cơ quan soạn thảo đề án về quốc hoa phải thận
    trọng, lắng nghe dư luận.

    TS Đặng Văn Đông (Trưởng Bộ môn hoa - cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, người Việt chắc sẽ lúng túng trước câu hỏi “Quốc hoa của nước bạn là gì?” nếu không sớm có một công nhận chính thức về quốc hoa.

    TS Phạm Thanh Hải (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) khẳng định, quốc hoa sẽ là thành phần quan trọng trong hệ thống các biểu tượng của Việt Nam, cùng với các biểu tượng khác như cây tre, áo dài, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long... tạo thành tổng thể thống nhất, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

    TS Hải nêu khảo sát từ 1895 sinh viên, giảng viên với câu hỏi: “Việt Nam có cần quốc hoa không?”. Kết quả: 78% số người được khảo sát khẳng định cần thiết, 10% trả lời không và 12% không có ý kiến gì.

    Sen nhận được nhiều đề cử

    TS Ngô Phương Lan (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL) cho hay, hiện có hai nước đã lấy hoa sen làm biểu tượng là Ấn Độ, Sri Lanka.

    Nhiều website nêu đề cử hoa sen, hoa mai, hoa đào, cây tre... Sau hơn 2 tháng có 135.097 ý kiến bầu chọn. Kết quả: Hoa sen 40,3 %; hoa mai 33,6% ;
    hoa đào 8,2% ; cây tre 9,5%.

    TS Đặng Văn Đông
    Ông Phạm Sanh Châu nói, nếu đề cử, cá nhân ông cũng thích hoa sen, bởi từ lâu loài hoa này trở thành biểu tượng mang tâm hồn, cốt cách Việt Nam. Họa sĩ Trần Khánh Chương hào hứng phân tích ưu điểm của sen: “Màu sắc, hương thơm dịu nhẹ, tạo hình rất đẹp. Hoa sen còn như một biểu tượng của nhân cách Việt Nam- dẫu khó khăn gian khổ vẫn dào dạt sức sống và không ngừng vươn lên”. Theo ông, đề cử phải nói rõ loại sen nào. Cá nhân ông đề xuất sen hồng.

    Một lý do khác khiến sen được nhiều đề cử, đó là khả năng gợi liên tưởng hình ảnh Bác Hồ, từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa.

    TS Đông cũng phân tích sen có nhược điểm không nở quanh năm, sống dưới nước và ưa khí hậu nóng nên miền Bắc chỉ trồng được vào mùa hè. Mặt khác, vì diện tích ao hồ ngày càng thu hẹp và hiệu quả việc trồng sen không cao nên loài hoa này ít có khả năng mở rộng, phát triển trong tương lai.

    Kiên trì bỏ phiếu cho hoa sen, họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh, không chỉ có sen mà không loài hoa nào nở được quanh năm. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu được công nhận là quốc hoa thì chuyện mở rộng và phát triển sen chỉ là... chuyện nhỏ.

    Mộc Miên
    dodo
    dodo
    Trưởng phòng
    Trưởng phòng


    Tổng số bài gửi : 573
    Cảm ơn : 63

    Sen sẽ là quốc hoa? Empty Re: Sen sẽ là quốc hoa?

    Bài gửi by dodo 2010-06-25, 12:21

    Chưa nên chọn quốc hoa

    TP - “Quốc hoa rất quan trọng nhưng có lẽ chưa cần thiết đặt ra lúc này khi mà chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn”-
    GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, phát biểu. Để rộng đường dư luận, PV trao đổi với ông.
    Sen sẽ là quốc hoa? ImageHandler
    GS.TS Nguyễn Xuân Kính.
    Ông Kính nói: “Nhiều việc đang phải làm, như chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Ngay như những việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội, chúng ta đề ra rất nhiều việc nhưng qua phản ánh của báo chí, cách làm của thành phố có những việc chưa ổn. Có việc đang tiến hành nhưng bị dư luận phản bác thì lại thôi, chứng tỏ cách làm còn thiếu khoa học, thiếu bài bản. Ví dụ như lát đá Hồ Gươm, cậy vỉa hè, quét vôi phố cổ. Chúng ta có quá nhiều việc đang phải làm và sẽ phải làm tốt. Chọn quốc hoa cũng là một việc cần làm, nhưng chưa nên làm lúc này”.

    Phải chăng có thể làm đồng thời nhiều việc nếu thấy cần? GS thấy sao khi phía Ủy ban UNESCO Việt Nam thuyết phục rằng “quốc hoa quốc phục rất cần thiết trong thời buổi hội nhập, triển khai chính sách ngoại giao văn hóa”?

    Ngoại giao văn hóa không chỉ có quốc hoa và quốc phục. Muốn ngoại giao văn hóa thì thế nước của anh phải mạnh, phải giàu có và phải đàng hoàng. Anh còn đi vay, hàng hóa xuất ra lại bị trả lại thì anh có hoa và quần áo đẹp cũng không sang được.

    Người ta chỉ có thể ngoại giao trên thế mạnh, thế giàu. Bill Gates đi chuyên cơ thì người ta bảo đáng thế, đi vé hạng
    thường thì bảo giản dị - kiểu gì cũng khen được. Trong khi nước mình thì nghèo, đông dân, nông thôn rất khổ. Thôi thì mặc comple cũng được có sao đâu.

    GSTS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á ủng hộ việc chọn quốc hoa, rằng cái đó làm tăng bản sắc dân tộc. Nhưng ông cũng nói rằng chỉ ra được cái gì là đặc trưng dân tộc, hơi khó. Từ nhà cửa đến đình chùa miếu mạo đền đài đều ít có cái riêng. Một số nhà văn hóa cũng nhận xét, người Việt nhiều phẩm chất nhưng bản sắc dân tộc thiếu đậm đà, do đó chọn được quốc hoa không đơn giản.

    Nói như vậy có phần đúng, có phần không đúng. Nhất định là người Việt có bản sắc. Nếu không có bản sắc thì không tồn tại được qua nghìn năm Bắc thuộc. Nói vậy nghe có vẻ sáo, nhưng đúng là như thế. Tôi đang tham gia viết Lịch sử văn hoá Việt Nam, nên có điều kiện tập trung đọc và suy nghĩ.

    Cái bản sắc của ta, khoan nói nó xấu hay nó tốt nhưng nó riêng, nó tạo ra căn cước của cả một dân tộc. Đó là sức sống dẻo dai, sự thích nghi, nhanh nhạy.

    Các nhà khoa học đã chỉ ra rồi, dân tộc Việt khả năng tiếp thu rất nhanh mà không bị mất đi, tan biến đi trong cái mới. Sức sống của người Việt lâu dài và uyển chuyển. GS Cao Xuân Huy từng nhận xét bản tính của người Việt là tính nước- ở bầu thì tròn ở ống thì dài, rất linh hoạt.

    GSTS Nguyễn Xuân Kính, Tổng biên tập tạp chí Văn hóa dân gian, Chủ tịch hội đồng biên tập Tổng tập văn học dân gian người Việt (19 tập); chủ trì Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập); đồng chủ biên Kho tàng ca dao người Việt; chủ biên Kho tàng tục ngữ người Việt; tác giả Thi pháp ca dao. Đang làm chủ nhiệm công trình Lịch sử văn hóa Việt Nam 6 tập.
    Về đền đài, chùa chiền, kiến trúc thì đúng là không có gì lớn. Nói như Phan Ngọc, là “ý thức về cái vừa phải”.

    Nhưng người Việt cũng có sáng tạo chứ. Tôi đang đọc công trình của một ông người Ý- “Bản tường trình về Đàng Trong” viết từ năm 1621 về thời chúa Nguyễn. Ông ta nhận xét người Việt mặc rất đẹp, mặc áo lụa. Lụa của họ tuy không mịn và tinh tế nhưng rất bền và chắc. Ăn uống thì sung túc, cá nhiều lắm.

    Alexandre De Rhodes cũng rất khen, ví dụ quan hệ dòng họ của người Việt rất bền chặt, bất đắc dĩ lắm mới phải mang đến cửa công phân xử. “Chúng ta mà như thế thì giảm đến 2/3 toà án”.

    Ông tác giả Ý còn nhận xét, người Việt bản tính hay xin mà cũng hay cho. Họ nói người Việt cởi mở, khác người Trung Quốc, Nhật Bản. Người Trung Quốc hay làm cao mà người Nhật thì đóng kín.

    Người Việt, theo tôi, đúng là cởi mở và chóng quên. “Thù này ắt hẳn còn lâu/Trồng tre làm gậy gặp đâu đánh què, có vẻ ghê gớm lắm nhưng rồi lại chóng quên, chóng bỏ qua, Đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại”.

    Điểm nữa mà tôi thấy là người Việt nấu ăn rất giỏi; ăn ngon. Nhiều người khó nhận ra bản sắc của người Việt nhưng không thể nói là không có.

    Sen vẫn dẫn đầu

    Trên một số diễn đàn, hoa sen vẫn được nhắc nhiều nhất bên cạnh các loài hoa khác như đào, mai. Cá biệt có ý kiến chọn hoa chuối, hoa đồng tiền, thậm chí hoa... rau muống.

    Sen sẽ là quốc hoa? ImageHandler
    Thiếu nữ với hoa sen . Ảnh: Hồng Vĩnh
    “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Với lại VN Airline cũng lấy hoa sen làm biểu tượng. Mình không lấy hoa sen, mấy nước khác lấy trước, thì có nước lấy hoa mai rừng hoặc cây tre thôi. (hai_duong)

    Tính điểm đi ạ. Em vote cho hoa sen. (le_hung214)

    Nhìn một đóa hoa sen hay ao sen tự nhiên thấy nhẹ nhàng, thanh thoát tâm hồn. (ashlee nguyen)

    Cách đây vài năm mình và em gái xem TV nói về quốc hoa của các nước như hoa anh đào Nhật Bản, hoa mẫu đơn Trung Quốc, hoa lan của Singapore… Sau khi các báo đưa về quốc hoa Việt Nam thì mới biết Việt Nam chưa có
    quốc hoa. Mình chọn hoa sen vì ai cũng biết sự tinh khiết của sen trong ca dao; cả ba miền đều có hoa sen và mình thấy các công trình kiến trúc xưa thường lấy biểu tượng hoa sen. (Mẹ bé Chíp)

    Mình cũng vote cho hoa sen, loài hoa duy nhất không chỉ đẹp, thơm mà còn có ích nữa. Cả cây sen chẳng bỏ đi phần nào cả. (littlebud)

    Tôi xem một số tham luận tại hội thảo quốc hoa. Bàn tán thì nhiều, nhưng theo tôi, cốt lõi của việc chọn quốc hoa, đó là BTC nên xác định mục đích của quốc hoa là để làm gì? Quốc hoa phải có mục đích và thông điệp rõ ràng: Định gắn với việc truyền bá cái gì đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, định vị nên hình ảnh gì của Việt Nam. Nếu các bạn đọc 13 tiêu chí của BTC thì mới thấy còn lâu mới chọn nổi quốc hoa nhé (9 người 10 ý mà). Cho nên tóm lại, rất cần phải xác định mục đích, nhiệm vụ của quốc hoa. Lúc đó thì hoa gì đẩy lên làm biểu tượng cho đất nước mà chả được, nó sẽ không bị giới hạn bởi vùng miền hay quan niệm, hoặc hoa này đã thuộc nước nọ nước kia. Cá nhân tôi ủng hộ hoa sen, hoa sen là lựa chọn đúng đắn. (La Joconde)


    Vi Khanh

      Hôm nay: 2024-11-07, 13:39