Tự do ngôn luận là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Thuật ngữ đồng nghĩa tự do biểu đạt (freedom of expression) đôi khi còn được dùng để nói đến cả hành động tìm kiếm, tiếp nhận, và chia sẻ thông tin hoặc quan niệm, bất kể bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông nào.
Trong thực tiễn, không có quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế, chẳng hạn như sự hạn chế đối với các phát ngôn có tính chất thù ghét ("hate speech").
Quyền tự do ngôn luận được thừa nhận như là một quyền con người trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR). Công ước ICCPR thừa nhận quyền tự do ngôn luận là "quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận"[1][2] Tự do ngôn luận, hay tự do biểu đạt, còn được thừa nhận trong luật nhân quyền của một số khu vực. Quyền này được khẳng định tại Điều 10 Hiệp ước Châu Âu về Nhân quyền (European Convention on Human Rights), Khoản 13 Công ước Mỹ về Nhân quyền (American Convention on Human Rights), Điều 9 của Hiệp ước châu Phi về quyền con người (African Charter on Human and Peoples' Rights), và Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (First Amendment to the United States Constitution).[3]
Người ta đã tìm thấy tự do ngôn luận trong các tài liệu cổ về nhân quyền, chẳng hạn như Magna Carta(1215) của Anh và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1789), một tài liệu quan trọng của Cách mạng Pháp.[4] Dựa trên lập luận của John Stuart Mill, khái niệm tự do ngôn luận hiện đại được hiểu là một quyền đa diện bao gồm không chỉ quyền được biểu đạt hay phát tán thông tin và tư tưởng, mà còn bao gồm 3 khía cạnh sau:
* Quyền tìm kiếm thông tin và tư tưởng;
* Quyền tiếp nhận thông tin và tư tưởng;
* Quyền chia sẻ thông tin và tư tưởng.[3]
Một số chuẩn quốc tế, khu vực, và quốc gia cũng thừa nhận rằng quyền tự do ngôn luận áp dụng cho mọi phương tiện truyền thông, dù bằng cách nói, viết, tài liệu in ấn, qua Internet hay qua các hình thức nghệ thuật. Điều này có nghĩa rằng việc bảo vệ tự do ngôn luận như là một quyền không chỉ nói đến nội dung mà còn nói đến phương tiện biểu đạt.[3]
Tự do ngôn luận có quan hệ gần gũi nhưng không giống với tự do thông tin và một số quyền khác.
Tự do ngôn luận có thể bị hạn chế khi xung đột với các quyền khác. Theo Freedom Forum Organization, các hệ thống luật pháp và xã hội nói chung thừa nhận các hạn chế đối với tự do ngôn luận, đặc biệt khi tự do ngôn luận xung đột với các giá trị hay quyền khác.[6] Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể theo "nguyên tắc gây hại" (harm principle) hoặc "nguyên tắc xúc phạm" (offense principle), ví dụ trong trường hợp khiêu dâm hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...).[7] Các hạn chế đối với tự do ngôn luận có thể được thực thi bằng luật pháp hoặc/và sự lên án của xã hội.[8]