Tùy
vào "gu thưởng thức" và cá tính mà teen Việt có những xu hướng nghe
nhạc khác nhau. Nhưng nhìn chung, đa phần họ đều "hướng ngoại", vì sao?
Cách đây không lâu, khi dòng nhạc dành cho teen chưa
phổ biến thì giới trẻ chỉ biết "làm bạn" với những bài hát người lớn,
không phù hợp với lứa tuổi. Hiện tại, âm nhạc đa dạng và nhiều thể
loại, cộng với sự phát triển của công nghệ cao và sự kết nối toàn cầu,
teen nhà mình tha hồ lựa chọn.
K.Linh (18 tuổi) bày tỏ: "Sở dĩ mình thích nghe nhạc
ngoại vì giai điệu hay, nội dung sâu sắc. Tuổi mình chỉ "kết" những bài
hát trẻ trung, sôi động nhưng vẫn phải chất lượng. Điều này nhạc teen
của Việt Nam chưa thật sự làm được hoàn toàn".
Một trong những lý do khiến teen thích nhạc nước ngoài:
- Giai điệu mới lạ, nội dung ấn tượng
- Nghe nhạc quốc tế trau giồi được vốn Anh ngữ
- Muốn chứng tỏ mình hiểu biết, sành điệu
- Để không lạc hậu với bạn bè
- Cảm thấy "chán" những bài hát teen nhí nhảnh, vì cho rằng mình đã lớn
Yếu tố ngoại "chen chân" vào nhạc Việt
Chính vì sự "hướng ngoại" mà dần dà, nhạc Việt phải
"chuyển hoá" để hợp gu và thích nghi với nhu cầu nghe của mọi người,
phần lớn là các bạn trẻ năng động, luôn xem âm nhạc là nguồn sống.
Tuy nhiên, sự đổi thay này có được tiếp nhận hay không, còn tuỳ vào "sở trường" của mỗi cá thể.
Jenny (19 tuổi): "Mình không thích những bài hát đệm
từ tiếng Anh, thấy nó dư thừa và vô nghĩa. Tại sao không thể hiện bằng
tiếng Việt khi hoàn toàn có thể? Trước kia mình còn thích nghe mấy bài
nhạc teen, giờ thì "bye" luôn vì mình không muốn bị "Tây hoá". Sự trong
sáng của tiếng Việt đâu rồi?"
"Những bạn teen trí thức thường chẳng thèm nghe
những bài hát sến đâu. Họ chỉ nghe những bài hát quốc tế luôn dẫn đầu
các bảng xếp hạng trong tháng. Mình không "bỏ quên" nhạc Việt, nhưng
thú thật, mình thấy "nhạc Việt" hiện tại có chỗ đứng quá ít, khi mà
những bài hát nhạc ngoại lời Việt tràn làn, nhạc Việt mà lời...không
Việt, điều này mình thật sự thất vọng" - P.Uyên (lớp 10 trường NHT).
"Mình là người Việt mà!"
Lần nọ, trong một buổi thuyết trình, những gì trong
usb của K (lớp 11 trường M) đều được "trưng" lên máy chiếu. Bạn bè hơi
bất ngờ khi bên cạnh những bài hát nước ngoài quen thuộc là những bài
hát teen trẻ trung. Một bạn thắc mắc hỏi: "Cậu mà cũng nghe mấy bài hát
Việt Nam hả K?". K chỉ cười: "Có chứ sao không, mình là người Việt mà!"
"Nghe hai thể loại nhạc song song chẳng có vấn đề gì
cả. Vấn đề là biết cách chọn lọc. Mình rất thích những bài hát Việt
chất lượng, có đầu tư trong giai điệu và ý nghĩa đắt giá. Thật đáng
buồn khi teen Việt "hướng ngoại" quá đà. Nhạc Việt đi theo chiều hướng
nào là do sự thưởng thức của họ thôi" - K cho biết.
Một số bạn thích nghe mấy bài nhạc phù hợp với lứa
tuổi, tâm trạng nhưng lại "giấu" bạn bè. H.B (lớp 10 trường T) cho
rằng: Mình sợ bị nói là "sến" và "không biết thưởng thức âm nhạc". Bởi
vậy dù không thích mấy bài hát ngoại cho lắm nhưng vẫn "giả bộ đam mê"
để mọi người trầm trồ "nhỏ này có hiểu biết" (!)
Có một dòng nhạc chất lượng dành cho teen
Hẳn bạn vẫn sẽ chọn nhạc Việt nếu như những bài hát
nội có chất lượng và được gọt giũa chặt chẽ. Teen nhà mình hẳn rất
thích những bài hát do Thuỳ Chi, M4U, Đinh Mạnh Ninh...thể hiện. Các
sáng tác của Nguyễn Hải Phong gần đây cũng tạo nên một cơn sốt và xu
hướng mới, giúp teen Việt định hướng được "gu" của mình.
Dù khó tính đến mấy, những bạn teen hiện đại luôn tâm đắc với những bài như: Xe đạp, Phía cuối con đường, Góc tối, Tan biến...Là
nhạc teen, nhưng giai điệu khá thẩm mĩ và lời hát thật "đắt". Một điều
đáng hoan nghênh nữa là không hề có những lời đệm tiếng Anh trong những
bài này.
o0o
Bạn là teen Việt, bạn có thói quen nghe nhạc ngoại,
và bạn "không thân" với nhạc Việt cho lắm. Hãy bắt đầu thay đổi từ bây
giờ bằng cách ủng hộ những bài nhạc chất lượng. Tương lai nền nhạc Việt
ra sao tuỳ thuộc vào teen Việt cả đấy!
Twinkle Mực tím Online