Google - câu chuyện thần kỳ - Kỳ 1: Quan tâm tới điều không thể
Đó là câu chuyện về sự thành công thật sự kỳ lạ của hai chàng trai trẻ Larry Page và Sergey Brin - những người sáng lập Google. Chỉ với khối óc của mình, trong vỏn vẹn sáu năm họ đã trở thành tỉ phú. Thành công của Google là thành công kỳ diệu của những ý tưởng và sự sáng tạo. “Hãy quan tâm tới điều không thể, hãy thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới” - phương châm đó của những người sáng lập Google đã đưa ra những định hướng tương lai của Google: góp phần biến đổi thế giới.Larry Page và Sergey Brin: “Bạn nên thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới” - Ảnh tư liệu
Larry Page và Sergey Brin bước vào hội trường trong tiếng hò reo hứng khởi của những thanh niên mới lớn thường làm khi chào đón những ngôi sao nhạc rock. Ăn mặc giản dị, họ ngồi xuống và cười rất tươi. “Các bạn có biết câu chuyện của Google không? Các bạn có muốn tôi kể cho các bạn nghe không?” - Page hỏi. “Có” - đám đông hô lớn.
Mồ hôi và nước mắt chiếm 99%
Đó là vào tháng 9-2003, hàng trăm sinh viên và cán bộ giảng dạy ở một trường cấp III Israel đã tham dự để được nghe những bộ óc toán học siêu việt, những nhà phát minh trẻ tuổi nói chuyện.
Rất nhiều người trong số họ giống Brin, vì họ cũng xa rời gia đình mình ở Nga để tìm tới nước Mỹ. Và họ thấy ở Page lòng nhiệt tình từ khi Page tham gia bộ đôi tạo nên công cụ thông tin mạnh mẽ và dễ sử dụng nhất trong thời đại của họ - một công cụ thay đổi như chớp đã lan truyền trên khắp thế giới. Giống như bọn trẻ chơi bóng rổ và mơ ước trở thành một Michael Jordan, những sinh viên này muốn giống như Sergey Brin và Larry Page một ngày nào đó.
Page mở đầu: “Google được thành lập khi Brin và tôi đang làm tiến sĩ về tin học tại Trường đại học Stanford. Chúng tôi cũng không rõ chính xác mình muốn làm gì. Tôi có mỗi một ý tưởng điên rồ là tải tất cả những gì có trên mạng xuống máy tính của mình. Tôi nói với thầy hướng dẫn của mình rằng việc này chỉ mất một tuần. Tôi đã tải xuống được một phần những gì có trên mạng mất khoảng một năm gì đó”. Tất cả sinh viên đều cười lớn. Page tiếp tục: “Có một thành ngữ tôi học được hồi đại học, đó là hãy quan tâm tới điều không thể. Đó là một thành ngữ hay. Bạn nên thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới”.
Trong lịch sử phát minh và tư bản dày cộp của nước Mỹ, chưa có ai thành công nhanh chóng như họ. Thomas Edison phải mất nửa thế kỷ để phát minh ra bóng đèn; Alexander Graham Bell phải tốn rất nhiều năm để phát minh và cải tiến chiếc điện thoại; phải sau hàng chục thập kỷ làm việc miệt mài chăm chỉ, Henry Ford mới tạo ra được dây chuyền lắp ráp hiện đại và biến nó thành nền công nghiệp đại sản xuất và tiêu dùng ôtô; còn Thomas Watson “con” đã phải làm việc rất vất vả nhiều năm cho tới khi IBM cho xuất xưởng chiếc máy tính hiện đại. Nhưng Brin và Page, chỉ trong sáu năm, đã nhận dự án nghiên cứu tốt nghiệp và biến nó trở thành một doanh nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỉ USD.
Page tiếp tục kể lại những ngày tháng vinh quang của hai người: “Khi chúng tôi mới gặp nhau, ai cũng nghĩ người kia thật khó chịu. Nhưng sau này chúng tôi vượt qua điều đó và trở thành đôi bạn tốt. Đó là khoảng thời gian cách đây tám năm. Rồi chúng tôi thật sự bắt tay vào làm việc”. Anh nhấn mạnh điểm quan trọng này: dù có ý tưởng nhưng mồ hôi và nước mắt chiếm 99%. Page nói: “Đây là bài học quí giá đối với chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc không kể đến ngày nghỉ, quên cả sáng tối. Chúng tôi đã phải làm việc vất vả và nỗ lực rất nhiều”.
Page còn muốn truyền đạt những điều hơn thế: cảm hứng. Page cho biết: “Tôi lớn lên mà không có Internet, hay hình thức hiện tại của nó và mạng toàn cầu. Ngày nay, thế giới đã thay đổi nhiều bởi các bạn đều có điều kiện để thu thập thông tin dù ở bất kỳ chủ đề nào trên thế giới. Và điều này cực kỳ khác biệt so với thời tôi còn đi học”. Brin góp thêm: “Các bạn có rất nhiều thế mạnh mà thế hệ chúng tôi không có. Những điều này sẽ giúp các bạn thành công sớm hơn trong cuộc sống so với chúng tôi”.
Sự nghiệp chỉ mới bắt đầu
Brin và Page kết thúc câu chuyện của họ và ra hiệu cho đám đông sinh viên giờ là lúc đặt câu hỏi. “Các anh có nghĩ Google đã đánh dấu sự nghiệp của các anh không?” - câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho Brin và Page. Brin trả lời: “Tôi nghĩ đó là thành tựu nhỏ nhất trên chặng đường chúng tôi hi vọng đạt được trong 20 năm tới. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng nếu Google là thứ duy nhất chúng tôi tạo ra được thì tôi cũng không lấy làm thất vọng lắm”. Page lại nghĩ khác: “Tôi thì lại rất thất vọng bởi sự nghiệp của chúng tôi vừa chỉ mới bắt đầu”.
Brin giải thích: “Chúng tôi điều hành Google hơi giống điều hành một trường đại học. Chúng tôi có rất nhiều dự án, khoảng hơn 100 cái. Chúng tôi làm rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Cách duy nhất dẫn bạn tới thành công là đầu tiên hãy hứng chịu thất bại”. Đám đông sinh viên vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Ý tưởng cuối cùng sẽ thành công sau khi nếm mùi thất bại và tinh thần không sợ thất bại, ngay lập tức được sinh viên ủng hộ.
Một sinh viên khác lại hỏi về những dự án mới của Google. Brin nói theo kiểu đùa: “Chúng tôi thấy ngượng khi nói về những dự án mới của chúng tôi. Có một người Israel. Yossi (Vardi, người phát minh tin nhắn nhanh) có một người bạn sản xuất quần lót, quần lót của Hãng Calvin Klein.
Do đó chúng tôi đang thử xem liệu chúng tôi có thể hợp tác để làm ra chiếc quần lót hiệu Google không”. Anh hỏi: “Nếu Google sản xuất quần lót, ai sẽ mua nó?”. Các cánh tay giơ lên. Brin tiếp thêm: “Đó là một trong những dự án ít liên quan tới vấn đề kỹ thuật nhất mà chúng tôi đang thực hiện”.
Từ đây nảy sinh ngay một câu hỏi khác: Vậy Google kiếm tiền từ đâu? Page trả lời: “Mỗi kết quả tìm kiếm, dù ít hay nhiều, đều phải trả tiền cho Google, chủ yếu là thông qua quảng cáo. Người ta trả tiền cho quảng cáo. Chúng tôi rất may mắn là đã chọn làm kiểu liên quan tới quảng cáo thay vì cho chạy banner quảng cáo. Điều này giúp chúng tôi có được công cụ tìm kiếm tốt nhất. Chúng tôi kiếm lợi nhuận do các công ty khác trả tiền, ví dụ như AOL, do sử dụng công cụ tìm kiếm của chúng tôi”.
Một sinh viên khác hỏi về sự cạnh tranh của Google. Page trả lời: “Bắt đầu, Google phải cạnh tranh với Excite, Alta Vista và các trang web khác. Những trang web này không chỉ tập trung mỗi vào công cụ tìm kiếm, do đó chúng tôi không bị nảy sinh nhiều vấn đề như họ. Ngày nay, chúng tôi phải đương đầu với nhiều cạnh tranh và thử thách hơn.
Chúng tôi có hơn 1.000 nhân viên làm việc tại Google. Chúng tôi đang chuẩn bị mở văn phòng trên toàn thế giới. Đó là một phần lý do tại sao chúng tôi đi vòng quanh thế giới. Đây quả là một thử thách thật sự đối với chúng tôi. Việc khó khăn nhất là chúng tôi có thể đạt được điều này trong dài hạn, trở thành một công ty có tuổi đời 10-20 năm, hoặc chúng tôi sẽ bị thôn tính”.
Page nói tiếp: “Phát minh ra thứ gì đó và có một ý tưởng lớn là một khối lượng công việc lớn. Nhưng đó chưa đủ. Bạn phải để cả thế giới biết đến nó. Tại Google, chúng tôi kết hợp các khả năng khoa học, toán học, tin học và cả kỹ năng làm cho nhân viên hăng say làm việc”.
Năm đó, Page và Brin chỉ mới 30 tuổi!
DAVID VISE và MARK MALSEED
Sinhviendalat.net tổng hợp
Sinhviendalat.net tổng hợp
Đọc thêm :
[You must be registered and logged in to see this link.]