Ngày tựu trường, hành trang các tân sinh viên mang theo bên cạnh cảm giác náo nức, vui mừng là những nỗi lo, bỡ ngỡ trước một môi trường mới, rộng lớn và nhiều thách thức.
Rất nhiều sinh viên không thích nghi với điều kiện sống mới, không đáp ứng được phương pháp học tập ở đại học…đã lâm vào tâm trạng thất vọng, chán nản, thậm chí sa ngã, bỏ học.
“Vũ khí” hiệu quả nhất lúc này tự rèn luyện những kỹ năng mềm cho bản thân, như: quản lý thời gian, làm việc nhóm, khả năng thuyết trình, thuyết phục, kỹ năng nghe hiểu… Trong số những kỹ năng trên, 4 kỹ năng sau đây sinh viên “không thể không có”.
1. Kỹ năng quản lý căng thẳng
Môi trường ĐH cực kỳ tiệm cận với cuộc sống ngoài xã hội, với nhiều hoạt động và những mối quan hệ. Hơn nữa, sinh viên là những người năng động và ham học hỏi không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào: vừa đi học, vừa tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội, vừa đi làm thêm...Hoặc có những sinh viên không như vậy nhưng nhìn những bạn bè xung quanh và họ vô tình bị cuốn đi. Từng ngày, từng ngày, những cái “hạn chót” như con rồng khò khè chực phun lửa vào họ; nỗi lo sợ bị khiển trách không hoàn thành công việc; dự định này nối tiếp kế hoạch kia xếp chồng như núi…Và đến một ngày họ bước đi nhanh hơn không nhận thức. Khi đó, stress đã “gõ cửa” rồi đấy!
Những người trẻ tuổi cần quản lý cơn giận dữ, sự căng thẳng của bản thân |
- Học cách “vườn không nhà trống”: Cách này đặc biệt áp dụng cho những cuộc tranh cãi, làm việc nhóm…Đó là cách “chúng ta” vẫn thường làm trong những tiết học ở phổ thông ấy, gương mặt lắng nghe rất chăm chú nhưng vô tai này rồi đi qua tai kia… mất hút!
- Tìm/Tạo cho mình một góc nhỏ bình yên: Có thể là một bài nhạc yêu thích, một giấc ngủ thật ngon ôm cái gối yêu thích, một quán cà phê quen thuộc…hoặc một buổi hẹn hò với bạn bè cũ. Tất tần tật những điều khiến bạn cảm thấy bình yên và được là chính mình.
- Bấm nút ngừng: Khi tất cả mọi việc đổ dồn vào một lúc thì bạn phát điên lên được. Khi đó hãy để tay lên đầu và bấm: “Ngừng lại”. Lúc này, hãy nhìn lại các vấn đề của bạn và xếp chúng thành thứ tự các nào giải quyết trước và cái nào mình không thể làm gì được.
2. Kỹ năng lãnh đạo
Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết trong việc học ở ĐH, là điểm “+” trong hồ sơ xin học bổng và là yêu cầu cho những vị trí cao cấp ở các nhiều công ty, doanh nghiệp đó!
- Hãy là một thành viên tốt: Trước khi là người lãnh đạo, bạn cần phải là một thành viên tốt đã. Tham gia một nhóm nào đó, chú ý đến người lãnh đạo nhóm đó quan sát, học hỏi điểm tốt và tránh những điểm chưa tốt.
- Hãy có phong thái của người lãnh đạo: Chắc chắn bạn sẽ không chọn một người lãnh đạo vụng về, khép nép, lôi thôi cho mình và mọi người cũng vậy. Thế nên hãy rèn luyện phong thái của mình từ vẻ ngoài đến bên trong: trang phục phù hợp, tự tin, có uy tín…
- Tập ra quyết định: Người lãnh đạo là người ra quyết định. Thế nên, hãy tập ra quyết định, và một khi đã “chấm hết” thì không thay đổi. Trước hết là hãy thực hành với bản thân mình sau đó sẽ đến nhiều người, tập thể nhóm.
- Tập đánh giá điểm mạnh và yếu của người khác: Hãy chọn 10 người bạn bất kỳ của bạn và đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của họ.
3. Kết nối bạn bè
Giao tiếp, chuyện trò thấy thì “dễ như ăn cháo” nhưng thật ra lại vô cùng khó và cần phải rèn luyện từng ngày. Bạn phải rèn luyện cách nói chuyện và thuyết phục để mọi người chú tâm lắng nghe và cảm nhận được những điều bạn muốn gửi gắm.
- Tập nói: Hãy nói chuyện với bạn bè, với người thân, thậm chí với người xa lạ. Đừng nói về những việc: "Bạn khỏe không? Hôm qua làm gì…?" Hãy suy nghĩ và chọn lựa những chủ đề có tính tranh luận, gợi mở…
- Tập nghe: Một tuần một lần, hoặc bất cứ khi nào có dịp, hãy lắng nghe bạn bè, người quen của trò chuyện, nghe những vấn đề của họ…
- Kỹ năng thuyết phục, tranh luận: Hãy bắt đầu bằng một việc thường ngày là trả giá khi mua hàng. Bằng cách này bạn sẽ mua được đúng giá bạn muốn và rèn luyện kỹ năng thuyết phục người khác.
4. Vận động, không ngừng vận động
Những khi thất bại, gặp khó khăn, stress…bạn sẽ làm gì? Chỉ muốn ở một mình. Hay là gọi cho ai đó mà tâm sự, than vãn nhưng vấn đề có thật sự được giải quyết tận gốc? Tất cả là phụ thuộc ở bạn, chính bạn là người có thể và biết cách đối mặt cũng như giải quyết triệt để rắc rối.
- Liệt kê 3 động lực thúc đẩy bạn: Đó có thể là một câu châm ngôn bạn tâm đắc, một thần tượng bạn ngưỡng mộ, hay chính những thất bại trước của bạn. Hãy liệt kê 3 điều quan trọng nhất và khắc cốt ghi tâm chúng. 1 trong những động lực của mình là: “Life isn’t fair but it’s still good”.
- Đạt được những thành công nhỏ mỗi ngày: Không động lực nào mạnh mẽ hơn những thành công đạt được. Mỗi ngày, hãy đặt ra những mục tiêu nho nhỏ và hoàn thành nó. Mỗi một thành công đạt được sẽ cho bạn tự tin và niềm hứng khởi bắt đầu thành công khác vào ngày mai.
- Từ điển của bạn không có từ “thất bại”: Tất cả những thất bại của bạn không bao giờ là thất bại, chỉ là một bước lùi lại, dừng lại, hoặc trầy xước sơ sơ 1 chút thôi. Hãy bước lại và bắt đầu lại từ chính chỗ đó. Hãy ghi lại những lần “trượt chân” đó để làm động lực cho bạn sau này.
Nỗ lực rèn luyện những kỹ năng trên thành một phần thói quen của bản thân mình không hề đơn giản và dễ dàng. Nhưng trái ngọt của quá trình rèn luyện đó sẽ giúp bạn để có được kết quả cao trong học tập và thành công trong cuộc sống. Cố gắng lên nào!
Theo Mực Tím