Những bài văn... dễ sợ! | |
Công tác chấm thi tuyển sinh đại học vừa kết thúc, danh sách thí sinh (TS) đạt điểm cao được đăng tải trên báo chí. Tuy vậy, theo thống kê ban đầu, tỉ lệ TS có điểm thấp lại không ít! Môn ngữ văn không ngoại lệ. Vẫn còn đó “những bài văn dễ sợ” của các cô tú, cậu tú. Ghi nhận của một giám khảo sau đợt chấm thi vừa rồi cho thấy phần nào bức tranh văn chương của sĩ tử thời nay… Thực trạng dạy và học văn trong nhà trường vẫn còn nhiều điều phải bàn. Từ vẻ đẹp đến nỗi khổ của người phụ nữ Thật khó lòng tin nổi những đoạn văn trích dẫn dưới đây là của những anh chị đã có trong tay bằng tú tài. Thế nhưng sự thật lại là như vậy! “Vẻ đẹp tiềm ẩn của người đàn bà khi cam chịu yêu thương chồng con là đề tài muôn thuở của thơ phú Việt Nam nước ta như là chị Dậu của Nam Cao, Thúy Kiều của Nguyễn Du. Tuy thế mà hai nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn chính là Nguyễn Minh Châu và Kim Lân không hẹn mà gặp nhau ở tính chịu đựng người phụ nữ trong hai tác phẩm lừng danh thiên hạ…chỉ khác nhau là người vợ nhặt có tên là Thị cho dù tên này chỉ là chữ lót chỉ phái yếu, còn người đàn bà kia không có cái tên mà bà con làng xóm gọi thắm thiết là người đàn bà hàng chài…”. Đó là phần mở đầu bài làm văn giới thiệu vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu). Không cần bàn luận gì thêm, chắc ai đọc qua cũng thấy vô số lỗi trong đoạn văn này: dừng từ, viết câu, diễn đạt, kiến thức… TS khác tỏ ra khá "thông cảm" với thân phận của thị vợ anh Tràng: “Thị xanh xao gầy còm cỏi vì qua một đêm tân hôn thức trắng, như thế đó mà khuya phải thức dậy thiệt sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình, cho mẹ cụ Tứ, mà khó nữa vì mẹ cụ Tứ kêu đi nấu cơm mà lại nấu bằng cám cho heo ăn thì làm sao thành cơm được, khổ cho Thị thiệt…”. Nguyên nhân anh cu Tràng lấy được vợ một cách dễ dàng cũng được kể ra muôn hình muôn vẻ. Đáng chú ý nhất là đoạn văn “Hạnh phúc từ trên trời rơi xuống dành cho anh Tràng xấu ma chê quỷ hờn. Thì ra cái thằng mình đen thui đen thủi, đầu cạo trọc lóc, cạo răng trắng hớn thề đến chết không thèm lấy vợ quá nghèo chi cho cực thân nhưng thấy người đàn bà dù không đẹp lắm nhưng thèm bánh đúc và nghèo quá nên anh lấy luôn về làm vợ cho rồi. Sau đó anh khác hẳn, trông không đáng sợ như trước khi lấy vợ. Tác giả biến cho nhân vật Tràng thay đổi đầy nhân đạo…”. Hình ảnh và số phận người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu cũng bị các sĩ tử “tán” đủ kiểu. Xin nêu một dẫn chứng cụ thể: “Hoàn cảnh nhân vật đàn bà Nguyễn Minh Châu thật đáng thương vì chị là một mình người đàn bà chài lưới nuôi chồng say xỉn và hơn chục đứa con là sản phẩm của những trận say xỉn mà người chồng đi nhậu về còn ra bờ kênh tìm vợ đang đánh cá đánh và thắt lưng tơi tả…”. Một TS khác có khả năng “khái quát” cao hơn nên không chỉ dẫn cả thơ văn của các tác giả khác mà còn sáng chế thơ để so sánh. Hãy đọc đoạn sau: “Không chỉ có nam nhà văn mà nữ nhà văn cũng có sự đấu tranh giành quyền lợi cho phe mình. Bà Huyện Thanh Quan là bà chúa thơ Nôm đã có nhiều bài thể hiện tâm trạng bi cực của người phụ nữ chẳng hạn như: Thân em vừa trắng lại vừa tròn. Bảy nổi ba chìm với nước non. Lặng lẻo thân cò khi quãng vắng. Âu sầu mặt nước buổi đò đông. Chỉ có người đàn bà mới viết được như thế về mình chứ đàn ông làm sao hiểu được họ cam chịu…”. Tình cảm nhân đạo của Thạch Lam & tình yêu trong thơ Xuân Diệu Không hiểu các TS học làm sao mà không ít trường hợp lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi đọc được đoạn sau đây của một TS viết về tình cảm nhân đạo của Thạch Lam trong tác phẩm Hai đứa trẻ: “Nhân đạo ở đây là hiểu được tâm lí nhân vật mình muốn đưa lên tác phẩm. Thạch Lam đã đưa cho người học chúng ta thấy rất là rõ một tình cảm nhân đạo vô cùng sâu sắc của những thành viên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương đồng khởi. Qua những hình ảnh cha mẹ của Chiến và Việt đã hi sinh vì tổ quốc, đặc biệt hơn là yêu nước biết lo cho gia đình của hai anh em gia đình này”. Rõ ràng TS này không nắm tí gì về bất kỳ tác phẩm nào nên đang nói Hai đứa trẻ của Thạch Lam lại “nhảy” qua Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (nhưng cũng hoàn toàn sai chi tiết trong tác phẩm). Thí sinh trong kì thi tuyển sinh ĐH năm 2009. Khi phân tích hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình qua 13 câu đầu bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu thì các TS tha hồ suy diễn lung tung. Có bạn giải thích “tuần tháng mật” rằng “Xuân Diệu chọn cách nói ước lệ mới mẻ của thơ xưa chứ đã yêu và tận hưởng tình yêu thì phải lâu dài chứ ai đời chỉ yêu có một tuần mà có khi yêu lâu dài đến cả tháng, cả năm…”. Bạn khác thì bình câu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” nghe nổi da gà luôn: “…tháng giêng của muôn loài ngon lắm. Loài người không phải ngoại lệ nên tháng giêng cũng phải ngon. Vì tháng giêng ngon nên từ thời nguyên thuỷ họ đã biết yêu nhau từ tháng giêng. Mà đã yêu thì phải hôn nhau như một cặp môi giữa một người con trai và một người con gái kề sát vào nhau nhiều nhất cũng là tháng giêng, các tháng khác cũng hôn mà hạn chế…”. Còn nhiều nữa những lỗi của TS mà phạm vi của một bài viết không thể dẫn ra hết được. Sai chính tả, không viết hoa danh từ riêng, dùng dấu câu loạn xạ hoặc cả bài không có một dấu câu là chuyện muôn thuở. Viết câu què câu cụt, diễn đạt rối rắm lung tung là điều thường gặp trong bài làm. Rồi việc kiến thức hổng dẫn đến những cái sai buồn cười của những cô tú cậu tú đã qua 12 năm đèn sách. Có TS khẳng định chắc nịch trong phần mở bài rằng “Xuân Diệu là một trong bảy cây bút tiêu biểu nhất của Tự lực văn đoàn nên Tố Hữu phong tặng cho bút danh “Nhà thơ mới nhất của các nhà thơ mới” thật xứng đáng”. Đánh mất tính trung thực Một TS mở đầu bài văn ngắn về tính trung thực trong thi cử và trong cuộc sống của mình bằng hai câu thơ “Ta về ta sắm phao ta. Dù sai dù đúng phao nhà vẫn hơn”. Sau đó, TS này vẽ vời đủ chuyện trên đời nhằm biện hộ cho cái lý tại sao phải gian lận, vì sao nhiều TS lại không trung thực trong kiểm tra thi cử, chứng minh rằng cái “mốt” của học sinh bây giờ là có nhiều chiêu qua mặt được thầy cô trong kiểm tra thi cử mới là sành điệu, rằng phao thi sẽ cứu nguy TS trong những lúc cùng đường, và cuối cùng kết luận gian lận là “một tất yếu trong cuộc sống”!? Cũng có TS cho rằng việc gì mình phải trung thực trong khi chính thầy cô chưa trung thực? Người lớn đã gian dối thì làm sao dạy trẻ con? Những lập luận và nhận thức ấy đáng để người lớn suy nghĩ. Song điều lo lắng nhất là từ nhận thức sai lệch vấn đề sẽ dẫn đến hành động sai trái ở những người trẻ này. Có bạn còn mạnh dạn viết rằng “Nếu quá thật thà, không quay cóp thì chắc chắn tôi không thể qua được 12 năm học để giờ này được vinh dự ngồi đây làm bài thi đại học. Vậy gian lận trong thi cử, kiểm tra có lợi nhiều đấy chứ! Ông bà ta dạy “Thật thà cha thằng dại” quả không sai phải không các bạn?”. Trong khi đó, một TS khác đề cao tính trung thực và bảo rằng bản thân luôn phấn đấu để có được đức tính cao đẹp. Thế nhưng dẫn chứng minh họa cho lý lẽ nêu ra cũng thật buồn cười: “Tôi và bạn phải can đảm học tập cụ Trần Tú Xương không thèm gian lận dối trá trong thi cử. Biết mình học dốt nhưng Tú Xương vẫn trung thực là hơn, dù thi biết bao chục lần vẫn chẳng đỗ đạt gì cả cho đến khi qua đời. Vậy đó mà cả xã hội Việt Nam và bạn bè quốc tế ai cũng biết đến ông chỉ đơn giản là vì ông biết coi trọng tính trung thực, không gian lận, làm bằng thực lực của bản thân mình nếu không đậu cũng chẳng sao. Thua keo này mình bày keo khác cũng hay”. Thật oan cho cụ Tú Xương quá! Quả thật, khi đọc những đoạn văn, câu văn với lối viết như nói, đầu chẳng ra đầu đuôi chẳng ra đuôi và những cái sai ngớ ngẩn như trên chúng tôi rất buồn lòng trước thực trạng học văn của học sinh ngày nay. Ai cũng hiểu “Văn học là nhân học”, vậy mà sự thờ ơ, lãng quên đối với bộ môn này của một bộ phận học sinh là có thật. Điều đáng buồn hơn nữa khi những đoạn văn liệt kê trên lại là bài làm của chính những TS dự thi vào các khối C, D1, M. Bởi các bạn này đăng ký dự thi đã tính toán các môn học sở trường của bản thân, trong đó có ngữ văn. Những bài làm như thế làm sao không rớt cho được? Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng thật sự về việc dạy và học ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Có như thế mới hạn chế đi đến xóa sổ những bài văn dễ sợ vốn dĩ tồn tại nhiều năm qua… |
3 posters
Những bài văn... dễ sợ!- Kì tuyển sinh đại học 2009
tvt- Điều hành viên
- Giới tính :
Tổng số bài gửi : 578
Tuổi : 34
Cảm ơn : 117
ThuatDL- Quản trị viên
- Giới tính :
Tổng số bài gửi : 2137
Tuổi : 39
Cảm ơn : 122
Hi, đó là những sản phẩm ngoài mong muốn của nền Giáo Dục Hiện Đại nước ta! Nếu các bạn có ý kiến đóng góp gì để cải thiện tình hình thì hãy cho ý kiến chứ cứ chê trách với phê bình hoài thì có tác dụng gì đâu???
mike_dany- Lao công tạp vụ
- Giới tính :
Tổng số bài gửi : 21
Cảm ơn : 2
Tuổi trẻ tài cao!