Trí Nguyễn đóng cảnh nóng thật sự với Thanh Vân
Chàng diễn viên điển trai nói
vui, ngay cả những cảnh nguy hiểm Ngô Thanh Vân còn không nhờ đến đóng
thế thì không có lý gì ở cảnh nóng họ lại không đóng thật 100%.
Trong phim "Bẫy rồng", Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân là hai nhân
vật bí mật. Họ rất giỏi võ nghệ, đều trong chính có tà, trong tà có
chính và những lớp vỏ bọc bên ngoài sẽ “rụng” dần vào cuối phim.
Bẫy rồng là một phim hành động võ thuật, Johnny Trí Nguyễn và
Ngô Thanh Vân vào vai chính. Nội dung của bộ phim được giữ bí mật cho
đến ngày trình chiếu, nhằm tạo bất ngờ cho khán giả. Nhưng qua cách bố
trí diễn viên và một số cảnh quay đầu tiên, có thể đoàn làm phim làm
theo một mô típ “tình thế buộc phải ngủ với kẻ thù nhưng sau đó yêu
luôn kẻ thù”.
Thời gian này, Johnny Trí Nguyễn bận và gầy. Phim đang quay và một mình
anh đóng cả mấy “vai chèo”: đồng tác giả kịch bản, diễn viên chính, đạo
diễn hành động và đồng sản xuất.
Để có được cuộc tiếp xúc này, anh phải cắt xén giờ ăn trưa của mình.
Tôi và Vân đóng thật 100%
- Bộ phim này dự tính quay hết mầy tuần?
- Khoảng 6 tuần, chúng tôi khởi quay từ 5/5. Vài ngày đầu, cả đoàn làm
phim bị trễ tiến độ nên phải cố gắng chạy những ngày cuối tuần cho kịp
lịch. Tuy nhiên, đoàn làm phim gặp hên. Chúng tôi quay vào mùa mưa,
ngoại cảnh quay rất nhiều nên sợ trời mưa. May thay, trời thương chúng
tôi đang quay ở Sài Gòn thì mưa ở Củ Chi và quay Củ Chi thì mưa Sài
Gòn. Trời né mình.
- Những phân đoạn nặng nhất của phim rơi vào phần nào và đã quay chưa?
- Phân đoạn nặng nhất là trận chiến cuối cùng, đẩy vào những ngày quay
cuối. Cành này sẽ quay năm, sáu đêm liền, ở một cảng tàu, rất khó vì có
nhiều pha hành động trong đó. Đó là trận quyết chiến của năm phe đảng,
có bắn nhau, rượt xe, đuổi ca nô, đánh võ, cháy nổ và cả diễn viên nước
ngoài tham gia nữa.
- Ở Việt Nam, mỗi khi làm phim hành động, nhất là đến những cảnh
rượt đuổi, bắn giết, cháy nổ, người ta nghĩ ngay đến chấn thương, tai
nạn, đoàn phim rất lo sợ. Đoàn phim "Bẫy rồng" có tâm lý đó không?
- Không, chúng tôi không bị ám ảnh chuyện chấn thương. Khi quay phim,
chúng tôi không muốn ai bị chấn thương nên bảo hộ tối đa. Tôi xuất thân
là một cascadeur, giờ làm đạo diễn hành động, pha nào thấy mình dám
làm, độ an toàn cao mới cho anh em làm, không thì tuyệt đối gạt qua,
chọn phương án khác.
Ở Việt Nam, cascadeur thường gắn với chữ “liều”, nhưng tôi không chấp
nhận đặc tính này trong phim của mình, vì với nghề này, “liều” đồng
nghĩa với “liều mạng”.
- Anh chủ trương diễn thực hay dùng đóng thế và kỹ xảo, nhất là với vai diễn của Ngô Thanh Vân?
- Tôi rất thích diễn thực trong phim hành động, nhất là phim có bối
cảnh hiện đại. Thế võ, đánh nhau đều thật, coi trọng tính hiệu quả chứ
không phải tính hoa mỹ như trong phim võ thuật cổ trang. Tôi đóng thực
100%, ngày xưa từng là cascadeur nên rất thích va chạm. Vai diễn của
Vân có những cảnh quá nguy hiểm, tôi cũng muốn cho người đóng thế nhưng
Vân không chịu. Cô ấy muốn tự làm.
Chúng tôi không thích đàn ông mặc đồ phụ nữ vào đóng thế. Còn con gái
nếu có tướng đẹp như Vân thì đi làm người mẫu và đóng chính hết rồi.
Xem phim, khán giả sẽ thấy chúng tôi đánh võ hiệu quả, đẹp mắt. Đặc
biệt, Vân có những thế võ rất hóc hiểm, quay thấy mặt đoàng hoàng chứ
không có chuyện khi đánh nhau sau quay lưng (dùng người đóng thế) rồi
sau đó mới thấy mặt diễn viên.
- Kể cả những cảnh nóng, anh và Vân cũng đóng thật 100%, không dùng người đóng thế?
- Đúng. Vì cảnh đó không có gì nguy hiểm (cười).
-
Vì sao phải có những cảnh này? Nó có phục vụ cho sự phát triển của câu
chuyện trong phim hay không hay đơn giản chỉ là để câu khách?
- Đương nhiên nó phục vụ cho sự phát triển của phim, nhưng tôi cũng
muốn phim mềm mại và dễ xem hơn. Một phim hành động dài cả trăm phút,
căng thẳng, đánh đấm, bắn giết từ đầu đến cuối, lại có sẵn mỹ nhân anh
hùng mà không có vài cảnh yêu đương, nóng bỏng thì căng quá, phí quá.
Những cảnh này là những khoảng “giải lao giữa giờ” cho khán giả để
chuẩn bị bước vào các trận đánh mới. Có người kêu phim Dòng máu anh hùng hơi bị khô. Điểm này sẽ được khắc phục ở Bẫy rồng.
- Thế đội ngũ cascadeur trong phim chủ yếu là dùng vào những việc gì?
- Họ đóng những pha nguy hiểm trong đội quân quần chúng và vai phụ.
Chúng tôi để họ tham gia nhiều cảnh đánh đấm, rượt đuổi chứ hạn chế
đóng thế.
- Những hỗ trợ từ bên ngoài như quay phim, ánh sáng, âm thanh có thể nâng hiệu quả diễn xuất cho diễn viên lên mấy phần?
- Chỉ cộng được cho diễn viên (về hiệu quả, tạo hiệu ứng) từ một đến
một điểm rưỡi là cùng. Muốn được chín điểm, diễn xuất của diễn viên chứ
không phải là chứ không phải là kĩ thuật, máy móc, dù tân tiến tới đầu,
mới là linh hồn của bộ phim.
- Trong phim này, các anh sử dụng chủ yếu những loại võ nào?
- Chúng tôi pha trộn rất nhiều loại võ của các nước như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, kể cả Brazil. Đặc biệt, cũng như Dòng máu anh hùng,
chúng tôi chú trọng dùng nhiều đòn thế của võ Việt Nam. Nhân vật của
Vân có rất nhiều tuyệt chiêu. Còn nhân vật của tôi có nhiều khả năng,
với những thế võ pha trộn, tự do.
Khán
giả sẽ ngạc nhiên về những thế võ này vì chúng chưa bao giờ được đưa
vào phim. Nói chung, chúng tôi khai thác và sáng tạo ra nhiều đòn thế
dựa trên môn võ Vovinam, đó là nét văn hóa riêng biệt của phim võ thuật
Việt Nam, để phân biệt với phim võ thuật Hong Kong, Trung Quốc, Thái
Lan…
- Đã có chấn thương nào xảy ra cho Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân chưa?
- Khi đóng phim hành động, chúng tôi chỉ tránh những tình huống để xảy
ra tai nạn, nhất là cho diễn viên chính vì sẽ gây tổn hại đến thân thể,
sức khỏe của diễn viên, làm ngưng trệ đoàn phim chứ chấn thương thì
phải chấp nhận. Chảy máu, rách mí mặt, bong gân, trặc chân, bầm tím
mình mẩy là chuyện hàng ngày của chúng tôi.
Vân là một cô gái rất “lì”, không kêu than, khóc lóc, cắn răng chịu cực và chịu đau rất giỏi.
Phim dễ đi xa nhất là phim hành động
- Nghe nói trong phim có nhiều cảnh rượt đuổi, bắn phá nhưng chiếc
xe hơi được liệt vào hàng “siêu xe”. Kinh phí làm phim là bao nhiêu mà
các anh chơi hoang như vậy?
- Tôi không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng làm phim hành động kinh
phí lúc nào cao hơn nhiều so với phim bình thường. Các cảnh chúng tôi
quay trong ba ngày, khi dựng lên chỉ có một phút rưỡi phim. Chẳng hạn,
tổng thời lượng quay của phim này là hơn 50 tiếng đồng hồ chỉ để dựng
khoảng 100 phút phim. Còn chuyện xe hơi là một may mắn. Nếu không có
may mắn này, dù có muốn lắm chúng tôi cũng không thể chơi sang. Chỉ một
chiếc xe đó đã mất đứt nửa kinh phí của cả bộ phim!
Hãng
BMW tài trợ cho đoàn làm phim một xe chiến và những xe phổ thông. Với
những xe này, chúng tôi tha hồ rượt đuổi, bắn phá, hư hỏng cũng không
sao. Họ sẽ đem về sửa lại ngay rồi đưa lên phim trường để xe “đóng
phim” tiếp. Chúng tôi dùng xe hoàn toàn miễn phí, chỉ cần không phá hủy
là được.
- Bộ phim "Dòng máu anh hùng" gây được tiếng vang ở Trung Quốc,
người dân nước này xem Ngô Thanh vân như “tiểu Chương Tử Di”. Dù đạt
được danh tiếng tốt và đã “đi” nhiều nơi trên thế giới, từ tham dự giải
cho đến phát hành, công chiếu nhưng đến nay phim vẫn chưa thu hồi được
vốn. Với "Bẫy rồng", khả năng thu hồi vốn có cao không?
- Tôi rất tự tin phim sẽ có doanh thu tốt ở Việt Nam. Tính đến nay, so với thời điểm bộ phim Dòng máu anh hùng ra mắt khán giả, thị trường điện ảnh Việt Nam đã đi lên rất nhiều.
- Các anh làm phim chủ yếu để bán cho các nhà phát hành phim trong nước hay nước ngoài?
- Phim chúng tôi làm chủ yếu để phục vụ khán giả nước nhà trước, sau đó
là bán ra nước ngoài. Phim Việt Nam mà khán giả Việt Nam không thích
thì còn ai thích? Nhưng chúng tôi chọn làm phim hành động vì thể loại
này có thêm đường ra nước ngoài và dễ đi xa. Theo tôi, phim dễ đi xa
nhất vẫn là phim hành động.
Ngô Thanh vân là sát thủ trong phim
- Tên phim là "Bẫy rồng", vì sao lại có cái tên này? Rồng là tên ai,
tên một băng nhóm, một chuyên án hay biệt hiệu của một người?
- Tên phim đi liền với nội dung, nhưng chúng tôi không muốn phổ biến cụ
thể, sợ khán giả sẽ không còn ngạc nhiên. Trong khi xem phim, khán giả
sẽ “gỡ” nội dung từ từ, phim chằng còn gì hấp dẫn nếu ta đã biết trước.
- Anh đóng vai gì trong phim này? Chính diện hay phản diện?
- Cả tôi và Vân đều vào những vai những nhân vật trong chính có tà,
trong tà có chính. Ban đầu chúng tôi cho người ta nhận định như vậy
nhưng càng về sau, khán giả sẽ càng nghi ngờ, hoang mang. Đó là kiểu
nhân vật chứa đựng, nắm giữ những bí mật. Họ có nhiều lớp vỏ bọc và cứ
“rơi” dần và gần cuối phim. Tôi chỉ có thể tiết lộ nhân vật tôi đóng có
rất nhiều khả năng. Anh ta giỏi võ, bắn súng, đua xe, lái ca nô.. cái
gì cũng ở hạng “thiên hạ vô địch” hết.
- Anh ta có phải là một nhân vật tình báo, được cài vào tổ chức xã
hội đen của ông trùm do Hoàng Phúc thủ vai, trong đó Ngô Thanh Vân là
sát thủ, để điều tra và phá án, kiểu như phim Vô gian đạo của Hồng Kông
từng làm mưa làm gió ở nhiều nước không?
- Phim sẽ khởi chiếu vào Giáng sinh này, các bạn hãy kiên nhẫn chờ đến lúc ấy.
- Nhân vật của Vân sẽ như thế nào?
- Cô ấy được huấn luyện bởi một ông trùm giỏi võ nghệ và sử dụng binh
khí. Ông ta huấn luyện Vân như một sát thủ nên cô giỏi về nhiều thứ.
Vai này của Vân khó hơn vai trong Dòng máu anh hùng.
Dù sau phim kia, Vân đã có vốn căn bản võ thuật, nhưng những tư thế võ
trong Bẫy rồng hoàn toàn mới, hiện đại và va chạm rất nhiều. Ngày nào
Vân cũng bị bầm tím người, vất vả lắm.
- Anh có thấy xót cho cô ấy không?
- Làm con gái mà phải đóng những vai hành động võ thuật như thế rất tội
nghiệp. Nếu đóng phim tâm lý xã hội, yêu đương lãng mạn thì khỏe hơn
nhiều, lại tha hồ ăn diện, điểm trang. Nhưng vẻ đẹp của vân toát ra
mạnh nhất trong những pha hành động. Cô ấy hấp dẫn nhất khi quăng mình
vào những cảnh đánh đấm, rượt đuổi, bắn giết!
- Mối quan hệ giữa anh và Ngô Thanh Vân trong phim có phải kiểu nam
anh hùng gặp mĩ nhân sát thủ, bên ngoài là đồng bọ nhưng bên trong thực
chất là hai kẻ đối địch? Lẽ ra đến phút cuối phá án, anh ta phải giết
cô ấy nhưng rốt cuộc lại … ngã vào lòng nhau, kiểu “anh hùng khó qua ải
mỹ nhân” hay không?
- Xin lỗi, tôi phải giữ bí mật cho những nhân vật có bí mật của chúng tôi (cười)
Theo Her World