Nữ Sinh Viên Trong Vòng Xoáy Lô , Đề
Bước vào phòng trọ, thấy 4 cô gái đang lẩm bẩm, tay cầm bút tính toán gì đó, tôi liền hỏi: “Các em học muộn vậy?”. Cả hội ồ lên cười, H. lên tiếng: “Học hành gì tụi nó hả anh? Chúng đang tính xem chiều nay ốp con gì đấy mà! Chiều nào mà chả vậy!”.
Sinh viên nữ chơi lô, đề không còn là chuyện hiếm. Tiền trúng từ “đỏ-đen” sẽ dùng để mua di động, sắm quần áo thời trang, đàn đúm bạn bè. Sa đà vào đây, họ không nhận ra rằng tương lai, sự nghiệp đang vượt xa khỏi tầm tay.
Những nữ sinh khát lô, đề
5h30 chiều, như đã hẹn, tôi đến chỗ trọ của N.T.H. (sinh viên ĐHQG Hà Nội). H. nổi tiếng là một đệ tử ruột của lô, đề. Bước vào phòng trọ, thấy 4 cô gái đang lẩm bẩm, tay cầm bút tính toán gì đó, tôi liền hỏi: “Các em học muộn vậy?”. Cả hội ồ lên cười, H. lên tiếng: “Học hành gì tụi nó hả anh? Chúng đang tính xem chiều nay ốp con gì đấy mà! Chiều nào mà chả vậy!” Nhìn giường chiếu, áo quần, bát đĩa, xoong nồi vứt chỏng chơ, tôi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Theo chân H. đến một quán nước nhỏ ven đường. Vừa thấy khách quen, mặt chị chủ quán liền tươi như hoa: “Em gái! Hôm nay ghi con gì đây?”. Rồi chị ta lôi ra một xếp giấy A4 dày bằng cuốn sổ, ghi chi chít các con số đưa cho tôi. Còn H., không cần suy nghĩ vì đã tính toán ở nhà, nên đọc luôn: “Chị ghi cho em con lô 78, 10 điểm, con đề 25, 1 lít” (lít là 100 nghìn đồng); “Ok, của em hết 320 nghìn”. Vừa nói, chị ta vừa thoăn thoắt ghi vào bảng lô, đề, rồi mời tôi và H. uống nước miễn phí.
Ngồi bên cạnh tôi là cô gái khác, tay cầm một tờ giấy be bé, tôi thì thầm hỏi, H. liền cười ngặt nghẽo: “À! Con bé đó mới đánh được mấy hôm mà, nó là khóa mới vào nên phải có tích kê, chứ như tụi em thì nhẵn mặt bà chủ đây mấy năm rồi, nên chả cần”.
H. là con gái độc nhất trong một gia đình khá giả ở Ninh Bình, mỗi tháng gia đình chu cấp cho cô hơn 2 triệu đi học, chưa kể tiền đóng học. Thế nhưng H. lại nướng sạch vào lô đề. Cô kể: “Lúc đầu ra đây em không bao giờ nghĩ mình dính vào lô đề, bởi em là con gái! Sau thấy đám bạn ghi thì mình cũng ghi cho vui...”. Vận may đến với H. liên tục, lúc đầu mới đánh, cô chỉ ghi 2,3 nghìn, sau thấy ngon ăn đánh lớn và khi thua thì cũng mất nhiều hơn. Càng thua, H. càng cay cú nên ngày càng dấn sâu hơn. Tôi nhẩm tính một ngày H. “tung” vào lô, đề khoảng hơn 300 nghìn, một tháng gần 10 triệu.
Tiền đâu ra? Xe máy, dàn vi tính rồi điện thoại di động lần lượt đội nón ra đi. Khi không còn gì để cầm cố nữa, cô lừa người yêu mượn di động, xe máy đi cầm. Khuyên nhủ không được, người yêu rời bỏ cô đi tìm nhân duyên mới. Chẳng lấy làm buồn và hối hận, ngược lại, H. rủ rê, lôi kéo đám bạn gái cùng phòng trọ “góp vốn” tham gia đánh lô, đề tập thể.
Mỗi khi trúng lớn, H. và đám bạn ra siêu thị mua sắm, tổ chức ăn uống, hát karaôkê. Ngày hôm sau, cả đám bạn lại lao vào các con số như những con thiêu thân và luôn bị ám ảnh trước ma lực của đồng tiền.
Không như H., V.V.T. (ĐHSP), gia đình không mấy khá giả. Nghe theo lời mấy đứa bạn cùng xóm trọ rủ rê, T. lao vào chơi lô, đề như điên dại. Thua to, T. cầm cố mọi thứ, vay mượn tất cả bạn bè. Khi không còn ai tin tưởng cho T. mượn nữa, một mình cô nhảy xe về quê lừa gia đình, anh em họ hàng hòng gỡ lại, nhưng kết quả là số tiền nợ ngày một tăng. Đến khi chủ “lô” tìm về tận quê dằn mặt, cô mới mếu máo kể cho bố mẹ đầu đuôi câu chuyện. Bố mẹ T. hốt hoảng, tá hoả chạy vạy khắp nơi mới kiếm đủ 40 triệu lên trả nợ cứu vớt tương lai cô con gái “quý hoá”.
Đ.T.L. (sinh viên ĐHKTQD) cũng có nguy cơ nghỉ học do vỡ nợ đề. Xe máy, máy vi tính, điện thoại bố mẹ trang bị cho đi học hiện giờ vẫn nằm trong tiệm cầm đồ không hẹn ngày trở lại... Khi số tiền nợ lên đến 60 triệu, cô mới hoảng hồn cầu cứu gia đình. Nhìn bố mẹ bán dần những vật dụng trong nhà trả nợ cho mình (cô con gái từng là niềm hãnh diện và tự hào của bố mẹ), L. không khỏi xót xa, hơn lúc nào hết, cô mới thấm thía: “Cờ bạc là bác thằng bần!”.
Phía sau những con số
Càng ngày, bạn bè cùng lớp với H. thấy cô ít lên lớp hẳn đi, có khi cả tháng họa hoằn lắm mới thấy H. ló mặt lên lớp hỏi xem có bài kiểm tra nào không? Thời gian còn lại, cô còn bận ở nhà tính toán những con số... Còn T., vẫn chứng nào tật ấy, không từ bỏ nổi thói máu mê cờ bạc của mình. Khi không còn tiền để chơi lô đề nữa, T. đã tìm đến những chàng trai theo đuổi mình vay mượn. Đáng sợ hơn cô sẵn sàng cặp bồ với những người đàn ông lắm tiền nhiều của để thoả mãn cơn nghiện đỏ đen của mình, dần dần bạn bè ở lớp cũng thấy T. ít trên lớp hơn...
Nhiều sinh viên hiện nay vẫn ôm giấc mộng trúng lô, đề. Tiền trúng từ lô, đề là khá lớn, với họ nhất là những ngày cuối tháng trong khi chờ đợi tiền “rót” từ nhà lên, khoản tiền trúng lô, đề sẽ giải quyết được chuyện đói trước mắt, sau đó là: có tiền mua di động, mua quần áo thời trang, đàn đúm bạn bè, rồi những cuộc “bay” thâu đêm ở các vũ trường lớn và sướng nhất là có tiền đi chơi với người yêu. Với kiểu suy nghĩ “mụ mị” đó, họ đã bị cuốn vào cơn lốc lô, đề lúc nào mà không biết.
Anh Q., chủ một cửa hiệu cầm đồ ở ngõ Tự Do ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Khách hàng chủ yếu là những cô, cậu sinh viên thiếu tiền do người nhà gửi lên chưa kịp thì ít mà cần phải trả nợ lô, đề thì nhiều. Tài sản họ cầm là xe máy, dàn vi tính, điện thoại, thậm chí cả thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân... thôi thì đủ thứ thứ, gì cầm được họ cầm tất. Chính vì thế cho nên quanh các trường cao đẳng, đại học và kí túc xá các hiệu cầm đồ mọc lên như nấm…”.
Hiện nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, các chủ lô, đề núp dưới bóng những quán nước nhỏ, ngang nhiên hoạt động trong từng ngõ hẻm - nơi tập trung đông sinh viên như ngõ Đa Lộc, ngõ Tự Do... Đã có nhiều vụ trộm cắp, cướp giật do sinh viên cầm đầu chỉ vì túng thiếu, nợ nần chồng chất, thiếu tiền chơi lô, đề nên sinh ra “đói ăn vụng, túng làm càn”, rất nhiều sinh viên nữ đã tự đánh mất mình khi bị cuốn vào vòng xoáy của những con số.
Trong khi các bạn cùng học với mình đang miệt mài ôn luyện cho những kì thi học phần thì những nữ sinh viên như N.T.H; V.V.T; Đ.T.L... vẫn vùi đầu mải mê tính toán những bảng lô, đề mà không biết rằng, tương lai, sự nghiệp đang vượt ra khỏi tầm tay.
Theo Tiếng Nói Việt Nam/VOV