Không đồng ý tăng học phí đại học lên 255.000 đồng
Sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, ngay năm học 2009 -2010 sẽ tăng trần học phí đại học từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng, chỉ nên tăng tối đa 230.000 đồng.
Theo Đề án Đổi mới tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 của Bộ Giáo dục Đào tạo, năm 2009, khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Dự kiến, học phí đại học tăng từ 180.000 đồng một tháng lên 255.000 đồng, học phí cao đẳng nghề tăng từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng một tháng.
Bắt đầu từ năm học 2010-2011, việc điều chỉnh học phí sẽ thực hiện theo lộ trình của Đề án Đổi mới tài chính Giáo dục đã được phê duyệt
Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, năm 2009, mức trần học phí đại học chỉ nên tăng từ 180.000 đồng lên 230.000 đồng một tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và cao đẳng nghề từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng một tháng.
Ngoài ra, Ủy ban này cũng đề nghị để tránh xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là hệ CĐ, ĐH) sau khi áp dụng chế độ học phí mới (từ năm học 2010-2011), cần có mức trần học phí đối với chương trình giáo dục đại trà ngoài công lập để có mức học phí hợp lý.
Mức trần có thể xác định trên cơ sở tham khảo mức trần học phí tương ứng của các cơ sở giáo dục công lập cộng với mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, cần ban hành quy chế sử dụng học phí trong các trường ngoài công lập và có biện pháp để kiểm tra giám sát việc thực hiện.
Hầu hết các trường hiện không cam kết chất lượng giáo dục.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 10 năm qua (1999-2008) (GDP) bình quân đầu người tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần, chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần. Trong khi đó, khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục đào tạo vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục.
Do mất giá đồng tiền, nên học phí đại học 180.000 đồng một tháng năm 2008 chỉ có giá trị 90.000 đồng một tháng so với năm 1998 khi khung học phí ban hành. Ngoài ra, Nhà nước tăng lương tối thiểu từ 290.000 đồng lên 540.000 đồng một tháng (năm 2008), mà học phí thì không tăng, nên các trường phải dành tỷ lệ trong tổng thu cho trả lương ngày một cao, phần dành cho giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngày càng ít đi, ảnh hưởng ngày càng lớn đến chất lượng đào tạo.
Với mức học phí đại học 180.000 đồng, chi phí đào tạo cho 4 năm hoặc 5 năm học để trở thành kỹ sư, cử nhân, người học phải trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng, trong khi ra trường ngay năm đầu tiên đi làm, thu nhập của các kỹ sư, cử nhân đã từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng một tháng, tức là 14,4 triệu đến 36 triệu đồng một năm.
Ngoài ra, sinh viên sư phạm được miễn đóng học phí, song có một số nhất định sau khi ra trường không làm việc cho ngành giáo dục. Điều này không công bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục.
Cuối cùng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, với các gia đình có thu nhập bình quân trên 1,5 triệu đồng một người một tháng (6 triệu đồng một hộ 4 người một tháng), mức học phí THPT tối đa là 35.000 đồng một tháng là rất thấp, dưới khả năng chi trả của họ, nếu có 2 con đi học thì chi phí học tập chỉ tương đương 3,3% thu nhập của gia đình.
Sau khi trình Quốc hội, Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục 2009-2014 sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ ngày 3/6 và thảo luận ở hội trường 9/6. Sau khi Quốc hội thống nhất, Nghị quyết về vấn đề trên được thông qua vào ngày 20/6.