>> THÔNG TIN VỀ GAME | |||||
Tên game: | AGE OF EMPIRES MYTHOLOGIES | ||||
Phát triển: | Griptonite Games | ||||
Phát hành: | THQ | ||||
Ngày phát hành: | 24/11/2008 | ||||
Thể loại: | Chiến thuật theo lượt | ||||
ESRB: | Everyone | ||||
Hệ máy: | NDS | ||||
Ưu điểm: | * Mảng nghe nhìn thuyết phục. * Nhiều mục chơi hấp dẫn. * Yếu tố chiến thuật sâu. | ||||
Khuyến điểm: | * Chưa có phần chơi trực tuyến. * Tất cả các mục chơi chỉ được sử dụng duy nhất một file save. |
không có được những game chiến thuật thời gian thực nổi tiếng như PC
nhưng máy chơi game cầm tay Nintendo DS lại hội tụ khá nhiều game chiến
thuật theo lượt nổi tiếng, làm say mê biết bao game thủ, như Advance
Wars Duel Strike, Final Fantasy Tactics Advance 2, Disgaea... Mới đây,
kho game chiến thuật theo lượt của hệ máy này lại tiếp tục bổ sung thêm
thành viên mới Age of Empires: Mythologies (AoEM).
Nếu tinh ý một chút bạn sẽ phát hiện ra rằng AoEM
chính là phiên bản tiếp nối của game chiến thuật theo lượt khá thành
công trên NDS cách đây hai năm là Age of Empires: The Age of Kings.
Cách đặt tên này cũng cho thấy các bản game trên NDS đều hướng theo hai
thương hiệu chiến thuật nổi tiếng trên PC trước đây là Age of Empires
và Age of Mythology (AoM) do xưởng game rất uy tín Ensemble Studios
thực hiện. Tuy nhiên cũng như lần xuất hiện trước, Ensemble Studios chỉ
đảm nhận phần thiết kế trong khi việc phát triển game được giao lại cho
Griptonite Games - nơi từng đảm nhận khá nhiều dự án trên Game Boy
Advance lẫn NDS trước đây như Eragon, Lego Star Wars II The Original
Story...
Tương tự với bản game AoM trên PC trước đây, AoEM có
tổng cộng ba phe khác nhau để người chơi nắm quyền điều khiển bao gồm
Ai Cập, Hy Lạp và Na Uy. Theo đó, phần chơi đơn của game cũng gồm ba
mục chơi chính là Campaign, Scenario và Skirmish. Nếu như mục tiêu
chính của người chơi trong Skirmish có phần đơn giản là chiếm các mỏ
vàng, lương thực, xây dựng căn cứ, quân đội để chinh phạt quân đối
phương thì ngược lại, mục tiêu ở các hai phần Campaign và Scenario lại
có phần nhiêu khê và phức tạp hơn. Điển hình như bạn chỉ được điều
khiển một nhóm quân nhỏ để đối đầu với đội quân lớn của đối phương, hay
phòng thủ một căn cứ bị đối phương tấn công dồn dập chỉ với lượng quân
cực kỳ mỏng với số lượt đi nhất định.
Chính vì vậy người chơi cần nắm rõ đặc điểm mạnh yếu
của từng chủng quân như cung thủ chỉ hiệu quả ở tầm xa nhưng rất yếu ở
tầm gần, kỵ binh có nước đi nhanh nhưng lại "sợ" quân cầm giáo... Nhưng
trên thực tế, lý thuyết trên chỉ giải quyết được vấn đề ở mức cơ bản.
Để có thể "trăm trận trăm thắng" bạn cần kết hợp lý thuyết với hai yếu
tố khác không kém phần quan trọng trong trò chơi này chính là các anh
hùng và vị thần mà bạn thờ phụng. Ngoài sức mạnh vượt trội, khả năng tự
hồi phục sức khỏe sau mỗi lượt đi, các anh hùng còn có những kỹ năng
đặc biệt giúp ích rất nhiều trong trận đánh. Ví dụ, Herakles của Hy Lạp
với cây búa khổng lồ trên tay có thể đẩy lùi vị trí đang đứng của quân
đối phương sang một vị trí khác. Trong khi đó, Hatshepsut với tài thiện
xạ đặc biệt có thể bắt mục tiêu từ rất xa và góc bắn rất rộng.
Cần lưu ý là bạn vẫn có thể mất các anh hùng như
chơi nếu lơ là mất cảnh giác. Do đó, để hoàn thiện không ngừng cho họ
bạn nên chủ động tìm kiếm những thánh tích (thông thường được canh
phòng rất cẩn mật) trên bản đồ. Những địa điểm này chính là nơi cất
giấu vũ khí, giáp trụ "xịn", vật phẩm để trang bị cho họ. Mặt khác, như
đã đề cập, bạn cần quan tâm đến việc xây dựng các điện thờ nhằm cải
thiện điểm "thiện ý" (Favor) đồng thời có thể nhờ vả thần linh trợ
giúp. Bằng cách này, bạn có thể nâng cấp các đơn vị quân, thành trì và
nâng cao nền văn minh cho dân tộc. Đặc biệt hơn, nếu thờ phụng chu đáo,
các vị thần còn cho bạn hưởng phép lợi thế trong một số lượt nhất định
như khiến đối phương mùa màng thất bát không thu hoạch được hoặc tạo ra
hiện tượng nhật thực nhằm tăng sức mạnh tạm thời cho tất cả các đạo
quân.
Để kích thích người chơi nỗ lực hoàn thành tất cả
các phần chơi hoặc chơi lại nhiều lần, AoEM còn cung cấp thêm phần
Mythology. Trong phần này, ngoài việc xem lại thành tích của mình
(Player Profile), bạn còn có thể hoàn thành thêm các thử thách cao hơn
mà game đặt ra trong phần Player Legends để đạt các điểm thành tựu
(Achievement) và quan trọng nhất là điểm thưởng để có thể mở khóa các
bản đồ chơi, anh hùng, vật dụng và các vị thần ẩn. Nếu phần chơi đơn
chưa đủ sức làm bạn thỏa mãn, bạn có thể rủ thêm bạn bè tranh tài qua
phần chơi mạng. Tuy nhiên cũng giống như bản game trước, phần chơi này
chỉ hỗ trợ tối đa bốn người tranh tài ở phạm vi offline chứ không phải
trực tuyến như nhiều game thủ đã kỳ vọng.
Phần nhìn của AoEM được trau chuốt khá sắc sảo dù
chỉ được thể hiện trên nền 2D khá cũ. Thể hiện rõ nét nhất là khi các
cánh quân giao chiến trực tiếp với nhau được thể hiện sống động và vui
nhộn. Bên cạnh đó, hình ảnh các vị thần và anh hùng được vẽ tay rất tỉ
mỉ toát lên vẻ "thần", "sự dũng mãnh" của họ. Thành công không kém là
hiệu ứng nhạc nền và âm thanh mô phỏng thể hiện rất "đạt" khiến người
chơi cảm thấy phấn chấn mỗi khi cầm quân ra trận.
Điểm duy nhất đáng phàn nàn là chức năng lưu game
chỉ cung cấp "slot" duy nhất để sử dụng chung cho tất cả các mục chơi.
Việc cung cấp này nhằm mục đích tăng thêm thử thách cho các game thủ
khi thưởng thức trò chơi nhưng nếu muốn tham gia nhiều mục chơi cùng
lúc bạn phải chịu khó đi hết toàn bộ màn chơi để máy ghi nhận hoặc
"save" một file duy nhất cho phần chơi nào mình tâm đắc. Nếu không cẩn
thận, công sức của bạn có thể bị đổ sông đổ biển vì lỡ tay chép đè lên
phần "save" trước. Giá như nhà sản xuất hào phóng hơn khi cung cấp mỗi
phần chơi một file save thì mọi việc sẽ ổn thoả hơn.
Với AoEM một lần nữa các game thủ lại thấy sức sáng
tạo của các nhà phát triển game gần như vô hạn bất chấp cấu hình phần
cứng eo hẹp như hệ máy NDS. Nếu đã từng bị Age of Empires: The Age of
Kings chinh phục trước đây thì không có lý do gì để từ chối trò chơi
tuyệt vời này.