Lâm Đồng lấy rừng nuôi… rừng
Ngày cập nhập: 2/3/2009
Ngày cập nhập: 2/3/2009
Lâm Đồng là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng (61,5%), là nơi điều tiết nguồn sinh thủy cho vùng Đông Nam bộ và đảm bảo năng lực phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường cảnh quan cho khu vực Tây Nguyên. Thực hiện Quyết định số 380 của Chính phủ, bắt đầu từ tháng 4-2009 tỉnh sẽ thu phí dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị đang được hưởng lợi từ rừng và chi trả cho những cá nhân, tổ chức đang bảo vệ rừng.
“Dùng mỡ cá rán cá”
Tháng 4-2009, Lâm Đồng sẽ thực hiện thí điểm dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên 150.175ha đất lâm nghiệp thuộc các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt.
13 đơn vị sử dụng rừng phải chi trả DVMTR trong giai đoạn 2009 - 2010 trên địa bàn tỉnh gồm: Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận), Công ty Cấp nước TPHCM (SAWACO), Công ty Cấp nước thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và 9 doanh nghiệp có 14 điểm tham quan du lịch đóng trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt.
Dự kiến, mỗi năm tỉnh sẽ thu 50 tỷ đồng phí DVMTR, trong đó dịch vụ điện là 44,08 tỷ đồng (2 nhà máy thủy điện Đại Ninh và Đa Nhim), dịch vụ nước là 5 tỷ đồng (2 nhà máy cấp nước SAWACO và Biên Hòa), dịch vụ du lịch là 0,63 tỷ đồng (thu 1% doanh thu 14 điểm tham quan du lịch) và dịch vụ du lịch sinh thái là 0,28 tỷ đồng (thu phí tham quan vé vào cửa).
Kỹ sư Nguyễn Trúc Bồng Sơn (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, nguồn thu DVMTR sẽ được chi trả cho toàn bộ chủ rừng nằm ở rừng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai (đoạn chảy qua Lâm Đồng) và những hộ dân đang được giao khoán bảo vệ rừng.
90% số tiền thu được sẽ chi cho người được chi trả (trong đó các chủ rừng được trả 10% chi phí quản lý và 80% để trả tiền công khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản), 10% còn lại sẽ nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thành lập vào ngày 17-2-2009) để đầu tư cho các dự án trồng rừng và bảo vệ rừng.
Chính quyền và nhân dân đều được lợi
Lâm Đồng có diện tích rừng các loại lên tới 617.000ha và đến nay đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) được 303.458ha cho 10.153 hộ dân và 46 tập thể, trong đó có tới 9.183 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác giao khoán QLBVR, cho thuê rừng của tỉnh trong thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch và thu nhập của các hộ dân nhận giao khoán QLBVR không cao với mức 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/hộ/năm.
Nếu bình quân một hộ có 4 nhân khẩu thì mỗi khẩu trong gia đình chỉ thu nhập từ 52.000đ đến 73.000đ/tháng và nếu không có nguồn thu nào khác thì mức sống các hộ nhận giao khoán rất khó khăn. Vì quá nghèo nên nhiều hộ nhận giao khoán QLBVR cũng đi phá rừng để kiếm sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đưa Lâm Đồng trở thành địa phương có số vụ phá rừng cao nhất cả nước trong năm qua với 2.249 vụ.
Thực hiện thành công việc thu phí DVMTR, Lâm Đồng sẽ tăng được mức tiền giao khoán QLBVR cho người dân để hạn chế việc phá rừng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng mức chi trả giao khoán bảo vệ rừng với đơn giá 100.000đ/ha (nguồn vốn chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Chương trình 304 và vốn ngân sách tỉnh), 200.000đ/ha (áp dụng cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) và với chính sách chi trả DVMTR thì người dân sẽ được hưởng lợi khi mức giao khoán bảo vệ rừng trong vùng thí điểm sẽ được tăng lên 250.000đ/ha.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiết kiệm được số tiền 30,4 tỷ đồng hằng năm chi trả cho các hợp đồng giao khoán QLBVR bằng nguồn kinh phí Nhà nước.
Nguồn: Báo SGGP - 12G