DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


2 posters

    Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp

    avatar
    LeXuanTien_Spnvk32
    Giám sát viên
    Giám sát viên


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 704
    Tuổi : 34
    Cảm ơn : 83

    Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp Empty Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp

    Bài gửi by LeXuanTien_Spnvk32 2011-11-24, 09:00

    I, Khái quát:
    BI KỊCH HY LẠP

    Bi kịch (Tragedie) là một thuật ngữ gốc Hy lạp, với ý nghĩa ban đầu của nó là bài ca về con dê. Theo truyền thuyết, Icarios là người được thần Dyonysos dạy cách trồng nho và ép rượu. Một hôm có một con dê vào phá vườn nho, Icarios đuổi bắt con vật và giết được nó. Mọi người được tin đến reo mừng quanh xác con vật và hát những bài hát ca ngợi vị thần ân đức của mình. Từ đó trong các cuộc cúng tế thần Dyonysos người ta đều có giết một con dê để nhắc lại chuyện xưa.
    Bi kịch Hy Lạp có hai nguồn gốc:

    - Nguồn gốc dân gian: Trước khi thành hình thức hoàn chĩnh, bi kịch mang nhiều tính chất vui nhộn sỗ sàng, yếu tố nhảy múa còn chiếm khá nhiều. Trong các buổi hội hè cúng tế, đội đồng ca ngồi quanh bàn thờ thần Dyonysos hát lên những ca khúc than vãn cho những nỗi gian truân bi thảm của cuộc đời vị thần, hoặc ca ngợi công lao ân đức, những thắng lợi và sự tái sinh của vị thần ấy. Ðó là những ca khúc Ditijanbe. Từ những khúc ca này đã nảy sinh ra tính chất bi kịch và mầm mống của đối thoại.
    - Nguồn gốc xã hội: Nếu hình thức đồng ca trữ tình đã dọn đường cho bi kịch Hy Lạp thì phải đợi đến sự xâm nhập của lịch sử vào cuộc sống thì bi kịch Hy Lạp mới trở thành một bộ môn nghệ thuật. Xã hội Athène trong gần 2 thế kỷ ( VI và V TCN ) chính là miếng đất đã vun xới cho bi kịch Hy Lạp và nuôi dưỡng nó trưởng thành.
    Nguyên nhân xã hội có tính chất quyết định đối với sự ra đời của bi kịch, chuyển bi kịch từ những nghi thức tôn giáo nguyên thủy thành một loại hình văn học, là những cuộc đấu tranh giai cấp giữa quý tộc công thương và dân tự do, đại diện cho lực lượng tiến bộ, với lớp quý tộc ruộng đất. Cuộc đấu tranh này gắn liền với sự hình thành nhà nước dân chủ nô lệ. Trong cuộc đấu tranh đó con người luôn luôn có khát vọng nhận thức và giải thích những biến cố lịch sử, và những lực lượng xã hội mới đã tìm thấy trong tôn giáo của Dyonysos một biểu hiện cho lý tưởng và khát vọng của mình. Như vậy, yếu tố quyết định sự ra đời của bi kịch là sự hình thành nhà nước nô lệ và cuộc đấu tranh giai cấp của thế kỷ VI, V TCN. Bi kịch trở thành vũ khí của cuộc đấu tranh đó.

    Quá trình phát triển của bi kịch:

    Năm 539 TCN thi sĩ Thespis là người đã thành lập ra những đoàn ca kịch đầu tiên trên các xe bò trong đó vai trò của người diễn viên (lúc này chỉ mới có một). Năm 510 TCN thi sĩ Phrynichos tiếp tục phát triển thêm khả năng biểu diễn (những sự biến trước mắt, những người thực việc thực). Ví dụ: Bi kịch thành Milê thất thủ của Phrynichos hoặc quân Ba Tư của Eschyle là tác phẩm lấy đề tài ngay trong những sự kiện chính trị đương thời.

    Về sau, Eschyle, Sophocle và Euripide đã tiếp tục xây đắp nền móng cho bi kịch, nâng nó lên thành mức độ hoàn thiện. Bi kịch bắt đầu trở thành một thể loại của kịch, đối lập với hài kịch, thường miêu tả những con người lương thiện, dũng cảm, những anh hùng đấu tranh vì những mục đích tốt đẹp, lý tưởng cao quý nhưng điều kiện khách quan không ủng hộ khiến họ thất bại. Qua những khó khăn, gian khổ, hy sinh, phẩm chất cao quý của họ nổi bật lên, gợi cảm và hấp dẫn người đọc, người xem trong không khí bi tráng. Ơû bi kịch cổ đại Hy Lạp ta thường thấy cuộc đấu tranh chống lại số mệnh. Nhân vật bi kịch thất bại, lý tưởng mà họ đấu tranh không thực hiện được nhưng tinh thần của họ gợi lên sự kính phục và tin tưởng trong lòng người xem. Ðó là tác dụng giáo dục của bi kịch (Nguyễn Xuân Nam)

    Giá trị to lớn của bi kịch:


    Trong lịch sử văn học cổ đại Hy Lạp giai đoạn phát triển mạnh mẽ, rực rở và phong phú nhất được mang danh hiệu là thời kỳ cổ điển cũng chính là giai đoạn ra đời của những bi kịch vĩ dại làm nền móng cho kịch trường Châu Aâu sau này. Sự ra đời của bi kịch phản ánh cuộc sống của con người trong xã hội ngày càng văn minh hơn, tầm nhận thức và khả năng sáng tạo của con người ngày càng mở rộng hơn. Những công cuộc tổ chức diễn kịch được qui mô cùng với những dấu vết còn lại của các nhà hát cổ đại là bằng chứng. Bi kịch Hy Lạp đã trở thành một nghệ thuật dân tộc đối với nhân dân Athène. Người ta tôn sùng bi kịch không phải chỉ do lòng ngưỡng mộ thần Dyonysos như thuở ban đầu, mà vì những âm điệu bi tráng, những tâm hồn sôi nổi, bất khuất, những đau khổ và xung đột trong bi kịch Hy Lạp đều là những tiếng vang của một thời đại lớn đang đấu tranh khai phá và phục hưng đất nước.

    - Nói đến chất nhân văn trong bi kịch Hy lạp là nói đến vẻ đẹp con người cả hình thức lẫn nội dung, từ bên ngoài đến bên trong, từ hiện thực đến tâm hồn, là Con Người viết hoa. Chất nhân văn đem đến nhận thức và rung độngvề con người, theo khuynh hướng ca ngợi, trân trọng, thương yêu, tin tưởng, bảo vệ con người và chống lại tất cả các thế lực xấu xa thù địch với con người. Đặc biệt, trong bất kì hoàn cảnh nào, phẩm giá, nhân cách luôn được đề cao.
    Trước hết , đó là vẻ đẹp con người trong việc chinh phục thiên nhiên.
    Tiếp đến là vẻ đẹp con người trong các quan hệ cộng đồng, quan hệ xã hội.
    Không những thế, vẻ đẹp nhân văn còn bộc lộ trong những quan hệ riêng tư , gắn kết con người với con người, đi sâu vào đời sống tình cảm của con người.
    Và, chất nhân văn ấy được thể hiện ở các tác phẩm của các tác giả sau:
    Eschyle
    (525-456 TCN)

    Tiểu sử: Eschyle xuất thân trong một gia đình quý tộc ruộng đất ở Eleusis gần Athène. Tuy vậy ông vẫn đứng về phía nhà nước dân chủ chủ nô vàsuốt đời đã dùng ngòi bút của mình để chiến đấu cho nền trật tự và văn hóa của xã hội mới. Cuộc đời ông gắn liền với những biến cố lớn lao của thời đại: đó là sự hình thành của nhà nước dân chủ nô lệ vàcuộc chiến tranh chống đế quốc Batư xâm lược. Trong chiến tranh Ba tư Hy Lạp (500-446 TCN), ông là một chiến sĩ dũng cảm cùng với hai anh tham gia chiến đấu. Ông có mặt trong cả ba cuộc chiến thắng vẻ vang của người Hy Lạp (Marathon 490, Salamin 480 và Platé 479).

    Ông đã sống và sáng tác trong không khí sôi sục đó của lịch sử. Ông viết tất cả 70 vở nhưng hiện nay chỉ còn lại có 7 vở. Ông đã đoạt được 13 giải thưởng trong đời và 28 giải sau khi mất. Qua 7 vở kịch còn lại của ông ta thấy những vấn đề mà ông quan tâm là những vấn đề lớn của thời đại và nhân loại.: Cuộc đấu tranh giữa mẫu quyền và phụ quyền và cuộc đấu tranh cho tự do hạnh phúc của loài người. Bằng thiên tài và sức mạnh sáng tạo của mình, Eschyle đã là người nhìn thấy những bước ngoặc lớn của lịch sử nhân loại. Trong các vở kịch lớn của Eschyle qua từng giai đoạn ta có thể thấy những tư tưởng dân chủ của tác giả. Ðối với chiến tranh, Eschyle công kích cuộc viễn chinh của Hy Lạp vào nhà nước Athène năm 129. Ðối với thần linh ông có thái độ hoài nghi, và trong nhiều vở kịch ông đã phê phán hành động của các vị thần, mà mạnh mẽ và tập trung nhất là trong vở Prométhée bị xiềng. Trong thế giới quan tiến bộ của ông còn thấy rất nhiều dấu vết của chủ nghĩa duy vật thô sơ thời cổ đại.
    Với eschyle, giá trị nhân văn ấy được thể hiện rõ nét qua tác “Promethee bị xiềng”.


    PROMÉTHEÉ BỊ XIỀNG
    Là một vở bi kịch nổi tiếng của Eschyle từ lâu đã có ảnh hưởng đối với nền văn hóa thế giới. Ðược diễn vào năm nào không rõ, ước chừng 469 TCN. Ðây là một trong bộ ba vở kịch liên hoàn: Prométheé người mang lửa, Prométheé bị xiềng và Prométheé được giải phóng. Hai vở kịch kia đã thất truyền.
    Prométheé bị xiềng mở đầu bằng cảnh Prométheé bị xích chặt vào núi đá và yên lặng chịu đựng cực hình mà không một lời kêu than. Chàng khinh bạc tất cả những lời khuyên dụ của thiên thần. Chàng còn là hiện thân của một người bạn chân tình của những kẻ bị áp bức, đau khổ.Lúc bấy giờ, Ios, một thiếu nữ bị Zeus phụ tình và Héra ghen tuông cho muỗi mòng cắn đốt chạy qua vùng này. Prométheé tiên tri rằng nàng sẽ sinh hạ một vĩ nhân, sau này sẽ giải phóng chàng. Ðồng thời chàng cho biết những bí mật về số phận và cái chết của Zeus. Ðược tin đó, Zeus cho Hermès xuống tra hỏi. Bất chấp mọi lời dọa dẫm, dụ dỗ, Prométhée không dứt lời sỉ nhục Zeus. Bất lực trước ý chí sắt đá đó của Prométheé, Zeuus giáng mây mù giông bão xuống núi đá chôn vùi Prométheé.
    Vở bi kịch đã trình bày một cách tổng quát cuộc đấu tranh của con người chống lại thiên nhiên và những lực lượng thống trị tàn bạo trong xã hội. Nó cũng ghi lại những thắng lợi đầu tiên của con người trong cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ đó. Và, đó cũng chính là cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hình thành nhà nước nô lệ. Mác đã vạch ra rằng: Sự phê phán các vị thần trên thiên đình cũng đồng thời là sự chống lại các vị thần ở cõi trần và Promé theé là vị thánh đầu tiên, là người tuẫn tiết đầu tiên trong triết học.Nhận xét đó giải thích được vì sao hình tượng Prométheé sống mãi trong lòng nhân loại. Ðó là hình ảnh tiêu biểu của những chiến sỹ dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, chinh phục tự nhiên cũng như đấu tranh với những lực lượng hắc ám trong xã hội để mang lại tự do, văn minh và tiến bộ cho loài người.


    Sophocle

    (496-406 TCN)

    Tiểu sử: Sophocle ra đời tại Colon, một thị trấn gần Athène trong một gia đình quý tộc có thế lực. Cha ông là chủ một xưởng sản xuất vũ khí. Từ nhỏ Sophocle đã được hấp thu một nền giáo dục đầy đủ. Truyền thuyết xưa kể lại rằng vào năm 480 TCN khi quân Hy Lạp đánh Ba Tư trong trận thủy chiến Salamin, khi đó mới 16 tuổi, Sophocle đã chỉ huy đội đồng ca thiếu sinh quân hát mừng đoàn quân chiến thắng trong đó có Eschyle trở về. Ðó cũng là năm ra đời của Euripide. Năm 480 TCN được xem như thời điểm hội tụ của ba nhà viếi bi kịch xuất sắc nhất của Hi Lạp cổ đại.
    Cuộc đời Sophocle gắn với hai biến cố lớn lao cuả thời đại:
    - Thời cực thịnh của vương triều Périclès (461-429 TCN). Trong 32 năm cầm quyền, Périclès dã biến Athène không chỉ là thủ đô kinh tế, chính trị mà còn là trung tâm văn hóa của toàn cõi Hy Lạp.
    - Cuộc chiến tranh Péloponèse (431-402 TCN) chia Hy Lạp ra làm hai khối liên minh do Sparta và Athène cầm đầu, kết thúc bằng sự thất bại của Athène. Thể chế Cộng hòa dân chủ bị xóa bỏ để thay thế bằng chế độ quý tộc theo mô hình của Sparta.
    Sophocle đã tạo bước chuyển biến quyết định làm cho nghệ thuật sân khấu trở thành sinh động. Ông đã viết trên 120 vở kịch, ngày nay chỉ còn lại 7 vở, trong đó nổi tiếng nhất có vở bi kịch Oedipe làm vua, một tác phẩm xuất sắc sau Êdip làm vua, khai thác cốt truyện về đề tài trong truyền thuyết về thành Thebes.
    Trong cuộc chiến tranh giữa Acgôx và Thebes, hai người anh ruột của Antigone, Polynices từ Acgôx kéo quân sang, Eteocles ở Thebes trấn giữ một cổng thành (Thebes có 7 cổng) đã giao chiến với nhau và cùng bị tử trận. Theo huyết thống, Creon lên thay Eteocles trị vì thành Thebes. Nhà vua ra lệnh cấm không cho ai chôn cất tử thi của Polynices. Xót tình máu mủ, Antigone sau khi rủ người em gái là Ismene không được đã một mình làm những lễ nghi mai táng cho anh. Nàng bị quân canh bắt được giải về nộp cho Creon. Y căm tức ra lệnh trừng phạt: Giam Antigone vào trong ngôi nhà mồ của dòng họ nàng. Việc làm tàn ác của Creon đã khiến cho con trai là Haemon và cũng là chồng chưa cưới của Antigone bất bình. Chàng hết lời khuyên can cha nhưng không được. Cụ già Teiresias, một nhà tiên tri đến khuyên can Creon cũng vô hiệu. Cuối cùng, khi Creon ra lệnh phóng thích Antigone thì đã quá muộn. Nàng đã thắt cổ tự vẫn. Haemon kết liễu đời mình bên xác người yêu bằng một mũi kiếm. Eurydice, mẹ của Haemon, sau khi biết tai họa kể trên cũng dùng kiếm tự sát. Vở bi kịch kết thúc bằng sự nhận ra lỗi lầm của Creon và lời bình luận về quyền uy của số mệnh.
    =>Giá trị nhân văn của tác phẩm:
    Bi kịch Antigone thể hiện xung đột giữa lý tưởng dân chủ và nhân đạo với sự chuyên chế độc đoán. Thông qua cuộc đấu tranh của Antigone thực hiện nghĩa vụ chôn cất cho thi hài người anh để bảo vệ những luật pháp của các vị thần tuy không được ghi trên giấy nhưng đã được nhân dân tôn trọng và muôn đời bất di bất dịch, Sophocles đã phản ánh cuộc đấu tranh cho sự thắng lợi của nhà nước dân chủ chiếm hữu nô lệ cùng với những lý tưởng tốt đẹp của nó trong “thời đại Pêriclex”. Tính cách kiên cường, bất khuất cùng với lý tưởng cao quý của Antigone khẳng định sức mạnh của con người vươn lên chống đối lại bàn tay nghiệt ngã của số mệnh. Cùng với Antigone, Haemon cũng là một con người của lý tưởng nhân đạo và dân chủ. Chàng đã đấu tranh với cha vì công lý, vì lẽ phải, vì lý tưởng dân chủ và nhân đạo hơn là vì tình yêu của chàng đối với Antigone. Đó là “những con người cần phải được như thế”, những nhân vật anh hùng của bi kịch – anh hùng.
    Đây là mot vở kịch giàu chất chiến đấu và nhân đạo. Nó lên án chính sách cai trị tham tàn , độc ác, muốn củng cố quyền uy bằng chết chóc. Nó thể hiện nguyện vọng của nhân dan, muốn có một chính quyền dân chủ thực sự, xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền dân chủ và quyền người, hòa hợp pháp lý và nhân đạo.
    Kết cấu vở kịch chặt chẽ, hành động thống nhất, đối thoại sắc sảo, giàu xung đột, kịch tính là điểm nổi bật của tài năng Sophocles. Heghen coi Antigone là một kiệt tác của thời cổ đại.
    thuy_spnvk32
    thuy_spnvk32
    Điều hành viên
    Điều hành viên


    Giới tính : Nữ
    Tổng số bài gửi : 593
    Tuổi : 34
    Cảm ơn : 536

    Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp Empty Re: Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp

    Bài gửi by thuy_spnvk32 2011-11-24, 11:04

    Thanks nhá....đang cần.hehe Bi kịch Hi Lạp - Tài liệu ôn thi học phần Văn học Hi Lạp 791272

      Hôm nay: 2024-04-27, 04:35