thực hư về chuyện mỹ nhân ngư
Trong khi truyền thuyết Hy Lạp ca tụng mỹ nhân ngư là những cô nàng nửa người nửa cá có sắc đẹp tuyệt thế và giọng hát mê hồn thì thực tế lại ghi nhận điều phũ phàng trái ngược: những sinh vật nhỏ thó, hình thù dị hợm và chưa bao giờ cất lên tiếng nói.
Lần đầu tiên người cá bước ra khỏi truyền thuyết hư ảo để hiện diện trước người trần mắt thịt là vào năm 1403. Nước lũ rút vội đã khiến cô mắc kẹt trên bờ biển Eton, Hà Lan, sau đó được 1 nhóm ngư dân tìm thấy.
Theo cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 do đích thân Bộ trưởng nước Anh John Swan viết về sự kiện này, mỹ nhân ngư tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống “trần gian”, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nàng hé môi trò chuyện nửa lời.
Năm 1738, nhật báo Luân Đôn đăng tải một tấm hình gây sốc: một mỹ nhân ngư nhỏ bé được phát hiện bên bờ biển Hebrides, bị ném đá tới chết do người ta tưởng nhầm là quái thai. Sau đó cô người cá xấu số được mai táng cẩn thận, và nếu có ai tỏ ý nghi ngờ thì bất kỳ người giàb hay con trẻ nào trong làng cũng sẵn sàng thề độc để chứng minh câu chuyện có thật 100%.
Thêm một lời đồn được chứng thực khác: năm 1881 ngư dân bắt được người cá ngoài khơi Xcốt-len, sau đó đem về bang New Orleans để trưng bày và “kiếm chác” từ công chúng hiếu kỳ.
Lại có những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích: mỹ nhân ngư tự nguyện rời bỏ đại dương, kết hôn cùng người “phàm trần” và rồi sinh con đẻ cái.
Ở Ai-len, con cháu dòng họ Machaire được coi là hậu duệ chính thống của cặp uyên ương chồng người vợ cá. Đến nay gia phả nhà họ vẫn lưu truyền câu chuyện tình cảm động bà cố nội đã theo ông cố nội lên ở đất liền như thế nào.
Người cá Fiji trên tấm bưu thiếp 100 năm tuổi
Nếu nói về người cá nổi tiếng nhất (và có lẽ cùng là “tai tiếng” nhất) trong lịch sử phải kể đến mỹ nhân ngư FeeJee - một sinh vật quằn quại có khuôn mặt và hình thù gớm ghiếc.
Ra mắt công chúng lần đầu tại New York vào năm 1842, FeeJee được một quý ông xưng danh “Tiến sĩ Griffith” bảo chứng là “người cá 100% do một ngư dân Nhật Bản bắt được”. Tuy nhiên trò lừa đảo này sau đó bại lộ, thực chất đó chỉ là sản phẩm cấy ghép tinh vi giữa mình khỉ và đuôi cá.
Cho tới nay, bản copy mô hình người cá Feejee hiện diện ở khá nhiều nơi, nhưng bản chính đầu tiên thì đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong trận cháy bảo tàng Barnum vào đầu những năm 1860.
Hiện Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody của trường ĐH Harvard cũng lưu giữ 1 phiên bản này.
Nguồn : petalia