Nói Về Trung Quốc
Lê Thành Nhân
Lê Thành Nhân
Trong vài năm lại đây thế giới trầm trồ về một Trung Quốc, một quốc gia theo chủ nghĩa độc tài toàn trị, vùng vẫy trong cái đuôi Cộng Sản nối dài, cố thoát chủ nghĩa đại bại CS nhưng còn ngượng ngùng chưa dám thẳng thừng tuyên bố. Trung Quốc tìm đường hội nhập vào kinh tế tự bản nhưng không để mất độc quyền cai trị. Đặc biệt, quốc gia Cộng Sản còn sót lại này bằng một phép thuật nào đó đưa kinh tế đi lên với tổng sản lượng quốc gia tức GDP (Gros Domestic Product) tăng đều ước tính 9% mỗi năm. Tháng 11/2005, The World Factbook đưa ra con số thống kê GDP của Trung Quốc năm 2004 là 7,262 tỷ (1) đứng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ là 11,750 tỷ. Các kinh tế gia thế giới cho rằng với đà gia tăng này, vào năm 2015 GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ! Một nước độc tài, đất rộng, dân đông, bây giờ lại nhiều tiền sẵn sàng chi phí hiện đại hóa quốc phòng làm cho thế giới lo lắng. Chúng ta thử nhìn một Trung Quốc chuyển biến như thế nào?
Thập niên 1950-1970 một Trung Quốc máu chảy thời bình:
Sau khi Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch năm 1949, tham vọng bành trướng của Đại Hán lộ nguyên hình bản chất xâm lược, đem hàng vạn quân binh định nuốt chửng Đại Hàn, nhưng bị Liên Hiệp Quốc đem quân chận lại đành chia đôi Hàn Quốc làm hai ngang vĩ tuyến 38th. Còn Việt Nam, Mao viện trợ sức người, sức của giúp đảng CSVN nhanh chân thanh toán Điện Biên Phủ để Cộng Sản Việt Nam tiếm công đánh Pháp dành độc lập của toàn dân, thật chất chỉ lợi dụng tranh tối tranh sáng bành trướng thế lực Đại Hán dưới danh nghĩa Cộng Sản giải phóng những dân tộc bị trị!
Từ thập niên 1950, bị Mỹ và đồng minh ngăn chận ở vĩ tuyến 38th và vĩ tuyến 17th với hàng rào quân sự chiến lược “Domino” của Hoa Kỳ, đẩy lùi và cô lập Trung Cộng vào trong lục địa. Họ Mao ỷ vào đất rộng, dân đông tưởng rằng “đôi tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm” (câu CSVN thường rêu rao), Mao đưa ra những “Bước Đại Nhảy Vọt” thật khôi hài như muốn công nghiệp hóa Mao ra lệnh 800 triệu dân Trung Quốc tập trung nồi, niêu, song, chảo, cuốc, xẻn…cho vào các lò nấu bằng đất để luyện thép. Nông thôn mất mùa thì Mao ra lệnh dân đem phènh la, trống, chuông, mõ ra đồng để đuổi châu chấu, cào cào đi để cứu mùa màn.v.v…Dân chúng người nào không theo lệnh thì kết tội “phản động” tập trung vào trại lao động khổ sai vô thời hạn, không cần xét xử. Mao càng “Bước Đại Nhảy Vọt” bao nhiêu thì dân tình càng đói rách lầm than bấy nhiêu, những người từng theo Mao trong cuộc “Vạn Lý Trường Chinh” đã tỏ ra bất mãn cho kế hoạch quốc kế dân sinh quái gở của Mao….Nội bộ bất mãn, dân tình thiếu ăn ta thán, Mao thấy nguy phải làm một cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” để giết sạch, xóa sạch thành phần chống đối, cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” ra đời năm 1966 đến năm 1976 đã giết chết bao nhiêu triệu người, chính Đặng Tiểu Bình cũng là nạn nhân của cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” ấy.
Trong khi nhân dân Trung Quốc đang sống trong cảnh nghèo đói, lầm than áp bức thì Mao mang mộng một cường quốc nguyên tử, nhất định muốn “đồng chí” Stalin của Liên Sô giúp để chế nguyên tử hầu được tiếng là cường quốc nguyên tử hù dọa thế giới tư bản. Nga Sô biết được ý đồ của Đại Hán, tuy rằng đồng đảng nhưng “đồng sàng dị mộng”, nên Stalin từ chối cung cấp phương tiện cho Mao chế bom nguyên tử, đó là nguyên nhân sâu xa có sự chia rẽ trong khối cộng sản Nga-Hoa.
Khi Khrushchev hạ bệ Stalin, hô hào “chủ nghĩa xét lại” chung sống hòa bình với phe tư bản, trong khi Mao thì chủ trương dùng võ lực chiến tranh chống đế quốc Mỹ và quyết liệt chống chủ nghĩa xét lại Sô Viết. Cuộc xung đột bắt đầu bằng báo, đài, bằng học tập trong đảng viên và toàn nhân dân Trung Quốc. Đến tháng 3/1969 thì cuộc chiến biên giới Trung-Sô bùng nổ kéo dài 5 tháng, Trung Quốc tổn thất nhiều sư đoàn, thế giới đang nín thở sợ chiến tranh nguyên tử Trung-Sô xẩy ra. Trong thời gian Liên Sô theo chủ nghĩa xét lại, chiến lược giữa hai nước CS đàn anh này hoàn toàn khác nhau, Trung Quốc thì dùng chiến lược lấy “nông thôn của thế giới bao vây thành thị của thế giới”, nông thôn thế giới là Trung Quốc và các quốc gia đồng minh của Trung Quốc thời ấy, thành thị thế giới ngụ ý cả Liên Sô lẫn Hoa Kỳ đang chung sống hoà bình trong chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Trong khi đó chính sách của Sô Viết là chính sách “Ba Giòng Thác Cách Mạng” mà chúng ta thường nghe thời Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư đảng CSVN tâng bốc “Ba Giòng Thác Cách Mạng” trong cuối thập niên 1970. Mao chết năm 1976, kéo theo cái chết của cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” để lại một Trung Quốc với nền kinh tế tụt hậu, một dân tộc Đại Hán nghèo đói xơ xác, thiếu ăn. Về đối ngoại bị thế giới cô lập. Cuộc xung đột biên giới với Ân Độ và Liên Sô vẫn còn xung khắc. Và mấy chục triệu người dân Trung Quốc chết oan trong cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” của Mao.
Đầu thập niên 1980 Trung Quốc tiến lên võ đài:
Sau khi Mao chết, Trung Quốc đi vào một bước ngoặt lịch sử quan trọng, sau một thời gian xáo trộn chính trường bởi Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Uông Đông Hưng và Trương Xuân Kiều), tháng 7/1977, bằng một cuộc đảo chánh ngoạn mục, không tốn một viên đạn, không mất một quân binh, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền. Mục tiêu của Đặng không khác với họ Mao, nghĩa là vẫn nuôi mộng đưa Đại Hán trở thành một đại cường trên thế giới, nhưng phương pháp thực hiện hoàn toàn khác, Đặng chủ trương “Bốn Hiện Đại Hóa: về nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật, và quân đội. Đặng Tiểu Bình không tự nhốt mình trong cung điện Đỏ Thiên An Môn mà ông thân chinh viếng thăm các nước tây phương, Đặng không đóng vai thế thủ mà mở ra tiếp thu mọi văn minh khoa học kỹ thuật, học cách thức quản trị của thế giới tư bản, mời gọi đầu tư nước ngoài.v.v.. bất kể màu gì (mèo trắng, mèo đen hễ mèo nào bắt được chuột đều tốt cả) miễn làm sao đưa Trung Quốc trở thành hùng mạnh về kinh tế, hiện đại hóa quân sự. Trước Đặng, họ Mao phản bác tất cả mọi quy luật quốc tế, chống đối và tiêu diệt một mất một còn với “đế quốc tư bản”. Chính sách ngoại giao của Mao đầy dẫy những danh từ đao to búa lớn, hận thù chủ nghĩa đế quốc (Mỹ) và chủ nghĩa siêu cường xét lại (Nga), cô lập các tổ chức quốc tế và theo đuổi chính sách kinh tế tự cường. Còn Đặng, về chính trị giữ nguyên mô hình cai trị theo cách Cộng Sản độc tài toàn trị, nhưng về kinh tế và ngoại giao hoàn toàn đưa Trung Quốc đi hướng ngược lại với Mao, Đặng phát động và cổ vũ tham gia vào cộng đồng quốc tế để hiện đại hoá kinh tế, tham gia các tổ chức liên minh phi chính phủ để đánh bóng hình ảnh khá rỉ rét của Trung Quốc, từng bước đã đưa Trung Quốc thoát khỏi thời đại cô lập. Đặng từ bỏ đấu tranh giai cấp trong quan hệ quốc tế, không coi Mỹ là kẻ thù mà tìm mọi cách thân thiện, Đặng chính thức qua thăm Tổng Thống Jimmy Carter, Hoa Kỳ đầu năm 1979. Phương châm họ Đặng là “Âm thầm nghiên cứu; thủ thế vững vàng; bình tỉnh đối đầu ngoại giao; che dấu sức mạnh đợi thời cơ; Thái độ nhún nhường; không bao giờ tỏ ra mình lãnh đạo” (2)
Với tính cách thực dụng, Đặng “Xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa với đặc tính của Trung Quốc (Build Socialism with Chinese Characteristic) (3), Đặng đã biến đổi mô hình Mac-Lê theo sáng kiến của mình, chối bỏ những lý thuyết vô tưởng về kinh tế tập trung của Mac-Le, sáng chế nhưng cách thức riêng làm ăn cho phù hợp. Để thuận tiện trong đường lối mới, họ Đặng âm thầm thành lập mô hình “Ba Thế Giới”, trong đó Trung Quốc tự nhận lãnh sứ mệnh lãnh đạo khối thứ ba tức là các quốc gia đang phát triển; liên kết thân thiết và trao đổi mậu dịch với khối thứ hai tức là các nước đang có kỷ nghệ phát triển như các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Úc Đại Lợi và một số quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ; hòa hoãn, nhún nhường với siêu cường (Mỹ). Mục tiêu “nín thở qua sông” nhằm phát triển sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân sự cho đến khi nào đủ sức lật ngược “siêu cường”, như Bắc Kinh tuyên bố khi viếng thăm ngoại giao Liên Sô năm 1998 là “mối quan hệ đối tác chiến lược mới này đã thực sự nâng cao an ninh chung của hai nước (Trung-Sô) cũng như của khu vực, và tạo cho hai nước một mục đích chung nhằm chống lại chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền” (4) những từ ngữ mà Bắc Kinh dùng ám chỉ Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh.
“Bốn Hiện Đại Hóa” này Trung Quốc áp dụng nhuần nhuyễn song hành với “Năm Chính Sách Chung Sống Hoà Bình” là Hỗ tương và hòan toàn tôn trọng nhau; Không xâm phạm quyền lợi của nhau; Không can thiệp nội bộ của nhau; Hợp tác công bằng và hai bên đều có lợi; và Chung sống hoà bình. Phải chăng đây là những mánh lới tinh xảo của những nhà lãnh đạo CSTQ để phù hợp với tư tưởng của Đặng Tiểu Bình. Gần đây Giang Trạch Dân và hiện nay cảc Hồ Cẩm Đào đều dương cao thuyết Ba Đại Biểu cho phép kết nạp doanh thương (thành phần tư bản) vào đảng CSTQ, và đề cao “Ở Trung Quốc hiện nay, phát triển văn hoá tiên tiến là phát triển văn hóa XHCN mang màu sắc Trung Quốc (chứ không phải màu sắc Mac-Le) (5).
Tương lai Trung Quốc như thế nào? Dự đoán thường là một điều khó khăn, đặc biệt là dự đoán về tương lai một quốc gia luôn luôn đặt kế sách trong vòng bí ẩn và hành động với nhiều toan tính.
Được sửa bởi Admin ngày 2009-01-14, 18:20; sửa lần 1.