(Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia và quan chức)
Có rất nhiều ý kiến ủng hộ cũng như không ủng hộ việc tách Đà Lạt.
Nhiều bạn có lẽ còn thiếu căn cứ và thông tin về Đà Lạt, nên bài này có thể cung cấp một số thông tin thêm cho các bạn chăng?
Tách Đà Lạt là một chủ trương lớn, người ta phải nghiên cứu kỹ mới quyết định.
Điều này được thể hiện qua các cuộc họp lấy ý kiến các bộ ngành, và các hội thảo quốc tế về Đà Lạt để lấy ý kiến các chuyên gia về các lĩnh vực.
Dưới đây ta sẽ xem ý kiến một số chuyên gia và lãnh đạo:
Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và các nước Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Singapore, Malaysia... Hội thảo dành thời gian hai ngày để thảo luận làm rõ giá trị tương lai của Đà Lạt
Hội thảo quốc tế về công nghệ sinh học ở Đà Lạt
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Đà Lạt là một địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và cũng là địa phương tiêu biểu trong nghiên cứu về công nghệ sinh học. Nhiều nông dân cũng đã tự lập Lab nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng theo kỹ thuật invitro. Mô hình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học của Đà Lạt là mô hình điểm để nhiều địa phương khác trong cả nước học tập.”
Một Stanford - nơi gặp gỡ giữa triệu phú và sinh viên
Giáo sư Tay Kheng Soon (Đại học Quốc gia Singapore - NUS) biểu tỏ cảm giác hân hoan của ông lần đầu đến Đà Lạt: “Quí vị biết không, tôi đi dự hội nghị nào cũng đều thấy người ta trưng hoa giả. Thế mà đến đây tôi thấy khắp nơi đều là hoa thật. Quí vị có thấy đó là điều độc đáo của Đà Lạt không?”. Thế rồi thay vì chiếu cho hội thảo xem những hình ảnh đô thị nước ngoài, giáo sư giới thiệu ngay những bức ảnh mà ông mới chụp về các đồi thông, phố chợ, vườn hoa của Đà Lạt, với lời trầm trồ: “Đẹp lắm, không khí trong lành lắm, người dân dễ thương lắm! Đó chính là quality of life (chất lượng cuộc sống)! Và chính “thành phố học” đó sẽ tạo ra tiền bằng dịch vụ chứ không phải bằng sản xuất! Ở đâu cũng có trường học, ngay cạnh trường đại học là nhà trẻ, là trường phổ thông. Đi đâu cũng gặp giáo sư, cũng gặp học trò. Hãy tạo ra một không gian vô tận cho học hỏi. Đó chính là hình ảnh trung tâm của Đà Lạt!”.
Giáo sư Heng Chye Kiang (NUS) cho biết: “ 40% thu nhập của thành phố Boston là do các đại học ở đây tạo ra. Xây dựng thành công một đại học ở Trung Quốc tạo ra được 55.000 việc làm. Vậy thì Đà Lạt không những có điều kiện tự nhiên ưu đãi, có tên tuổi một thời mà còn có động lực kinh tế rất rõ ràng để trở thành một university city!”
Tiến sĩ Thái Quang Trung (Hans Seidel Foundation, Đức) đề nghị: “tất cả các trường đại học chuyên về môi trường, sinh thái, bảo tồn thiên nhiên ở Hà Nội hay Đà Nẵng, TP.HCM nên “dọn lên” Đà Lạt. Vì xem ra ở VN chỉ có Đà Lạt mới hội đủ yếu tố thiên nhiên, khí hậu và con người làm cơ sở phát triển việc nghiên cứu và đào tạo các khoa học phát triển bền vững. Lĩnh vực khoa học phát triển bền vững bao gồm các ngành nhân văn, nông lâm, y học, du lịch. Và Đà Lạt rất xứng đáng và rất cần trở thành “thủ đô đại học” của các ngành khoa học độc đáo này!”
Một “thung lũng sinh học” và rồi những tiếng chuông...
Tiến sĩ Peter McLoughlin đến từ thung lũng sinh học Waterford (Ireland) “ Đà Lạt, tuổi đời đã 100 năm nhưng vẫn trẻ trung, có sẵn nguồn vốn thiên nhiên và nhân văn. Đà Lạt “sang” lắm, chỉ cần thu hút những ngành công nghiệp sạch và đắt tiền! Waterford mất 20 năm để thành một thung lũng sinh học nổi tiếng ở châu Âu. Tôi tin rằng Đà Lạt muốn trở thành Waterford cũng chỉ mất một khoảng thời gian như vậy, thậm chí sẽ nhanh hơn. Phải nghĩ lớn thế đi. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội để làm. Phải định vị Đà Lạt cũng như VN ở đẳng cấp quốc tế chứ không chỉ loay hoay trong nước không thôi!”
Tara Kimbrell Cole (Công ty tư vấn Synovations, Mỹ) đưa ra lời cảnh báo: “Đừng nghĩ rằng chỉ có các công ty đa quốc gia (MNC) mới làm được những dự án như vậy. Các bạn phải là các đối tác cùng phát triển dự án. Đừng mong các MNC bỏ vốn một mình và cũng đừng mong MNC sẽ đem đến tất cả những gì mình mong muốn”
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: “một sự nghiệp lớn như thế rất cần một tầm nhìn thống nhất giữa trung ương với địa phương, cần một sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Nếu “đánh thức” được tiềm năng của Đà Lạt thì càng có thêm niềm tin “đánh thức” nhiều tiềm năng, vị thế khác của VN trên trường quốc tế.”
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “nên để Đà Lạt tách khỏi tỉnh Lâm Đồng, trở lại là thành phố trực thuộc trung ương như qui chế trước đây.
Với một vị thế hành chính mới, Đà Lạt có đủ quyền hạn hơn, tầm nhìn rộng lớn hơn để đóng góp nhiều hơn cho Tây nguyên và cả nước.”
Tại hội thảo “Quĩ kiến trúc đô thị hiện hữu của Đà Lạt” Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề xuất: “Phải nghiên cứu, đánh giá lại giá trị những vùng khác ngoài Đà Lạt hiện nay thuộc cao nguyên Lang Bian như huyện Lạc Dương, và lân cận cao nguyên này như huyện Đơn Dương, Đức Trọng để mở rộng Đà Lạt, tạo nên những “Đà Lạt” mới vì chắc chắn tài nguyên khí hậu, sinh thái, đất đai... ở đó tuyệt vời không kém để tạo nên những đô thị phong cảnh, du lịch, nghỉ dưỡng ngang bằng (cao độ chỉ chênh nhau vài trăm mét) hoặc gần bằng Đà Lạt do người Pháp lập nên”
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “tôi lên Đà Lạt vì xót xa muốn cứu lấy đô thị - di sản này. Chúng ta không kịp làm gì cho Hạ Long nữa thì hãy cố gắng hết sức cứu lấy Đà Lạt”
KTS Nguyễn Luận (Hội KTS VN) nhìn vào thực trạng kiến trúc hiện nay của Đà Lạt, kêu gọi: "Tài nguyên thiên nhiên của một đô thị không nhiều và ngày càng cạn kiệt. Nhất thiết phải có giới hạn phát triển nào đó để thành phố này phát triển bền vững. Nếu tầm nhìn quy hoạch phát triển Đà Lạt đến những năm 2030 không xác định được ngưỡng này thì Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt như ta hằng biết, hằng say đắm"
Các KTS Phạm Tứ, Vũ Việt Anh và Phạm Thúy Ái (ĐH Kiến trúc TP.HCM) khẳng định: “Chỉ khi Đà Lạt và rừng là một thì TP Đà Lạt mới thật sự tìm đúng con đường phát triển của mình, bởi nó là một đô thị du lịch được sinh ra từ rừng và luôn cần phải phát triển hài hòa với tự nhiên. nếu không làm được như vậy là đồng nghĩa với phát triển lệch hướng, sẽ đưa đến hậu quả xấu: không thể phát triển được, đi đến bế tắc, lụi tàn, mất cơ hội”
KTS Khương Văn Mười (phó chủ tịch Hội KTS VN) và KTS Hoàng Thanh Thủy (ĐH Kiến trúc TP.HCM) chỉ rõ: “thực chất của quy hoạch đô thị cho Đà Lạt là giải pháp quy hoạch theo kiến trúc cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nghĩa là các đỉnh đồi, sườn đồi, thung lũng phải được tôn trọng.”
KTS Lưu Đức Hải (cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) nêu chính kiến: “Tiếp tục phát triển các công trình đô thị tại Đà Lạt là việc tất yếu, trong đó có phát triển công trình cao tầng nhưng phải hạn chế tối đa phát triển nhà cao tầng (trên năm tầng) để bảo tồn cảnh quan đô thị”
Các chuyên gia tại hội thảo "Tầm nhìn cho Đà Lạt hướng đến một đô thị hiện đại có bản sắc" đề nghị: “hạn chế tối đa về tầng cao (chỉ nên đến ba tầng), chỉ trích quyết liệt phát triển loại nhà ở dạng phố (phân lô) và thứ kiến trúc xa lạ với thiên nhiên Đà Lạt: mặt tiền bọc kính hoặc các vật liệu kim loại. Đà Lạt không thể cứ "ăn mãi vào thiên nhiên", phải biết dựa vào cái "trời cho" ấy để làm gia tăng giá trị cho Đà Lạt theo hướng chất lượng cao. Đó là hướng đến xây dựng Đà Lạt trở thành "thành phố đại học", "thung lũng Silicon", trung tâm nghiên cứu - sản xuất giống rau, hoa, trung tâm hội nghị - hội thảo quốc tế, trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí hàng đầu của VN và khu vực... Đà Lạt phải đi tới và hiện đại lên, nhưng phải trân trọng những di sản (quy hoạch, kiến trúc...) của người Pháp để lại.”
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “trách nhiệm to lớn cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Lạt trong việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch có chất lượng hàng đầu không những của cả nước mà còn của cả khu vực và thế giới. đặc biệt về du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng TP.Đà Lạt, một đô thị miền núi có vai trò cốt yếu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trở thành đô thị có vị trí quan trọng trong chuỗi đô thị toàn quốc.”
Các chuyên gia tư vấn quy hoạch và các nhà nghiên cứu đã đề xuất phát triển Đà Lạt trở thành một "thung lũng sinh học".
Bà Tara Kimbrell Cole - Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Synovations của Singapore - đề xuất: “Chỉ có sáng tạo cùng những mô hình kinh doanh mới, có tính cạnh tranh độc đáo riêng cho Đà Lạt mới tạo nét độc đáo của một “thành phố đại học”, “trung tâm dưỡng sinh” cho ngành du lịch, công nghệ sinh học, kết hợp hài hòa với văn hóa địa phương… Điều này không chỉ sẽ đưa Đà Lạt mà cả Việt Nam vượt qua các nước trong khu vực”.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Thường trực Hội kiến trúc sư Việt Nam, người có nhiều tâm huyết với kiến trúc đô thị Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng
- Xin ông cho một nhận xét về kiến trúc đô thị Đà Lạt?
Theo tôi, quỹ vật chất của các đô thi Việt Nam không lớn lắm, Hà Nội là đô thị cổ, nhưng quỹ vật chất có độ tuổi dưới 300 năm. Chỉ có Huế và Đà Lạt là hai thành phố có thể xem là những Đô thị - di sản. Huế còn giữ được nét đặc trưng kiến trúc của một đô thị Việt thời phong kiến. Đà Lạt tuy là thành phố trẻ, song là thành phố nghỉ dưỡng duy nhất trong các đô thị Việt Nam có một “cơ thể” kiến trúc trọn vẹn và diện mạo kiến trúc Pháp.
- Vâng, đó là mặt giá trị, thế những yếu kém trong qúa trình phát triển đô thị nhanh chóng hiện nay?
Những năm qua, các đô thị Việt Nam phát triển quá nhanh, quá mạnh trong khi “cơ thể” đô thị hiện hữu quá yếu kém. Đà Lạt trong quá trình phát triển cũng không tránh khỏi sự vội vã trong “ứng xử” với kiến trúc, đây đó có vấn đề sơ xuất, cần phải rút kinh nghiệm. Chẳng hạn Đài PTTH có qui mô quá lớn và kiến trúc khá xa lạ, đã góp phần phá vỡ sự thống nhất của không gian kiến trúc vốn có, tạo ra những thách thức không nên có đối với cơ thể đô thị nhuần nhị của Đà Lạt; một công viên Yersin kiến trúc bị phân tán, vụn vặt và vật liệu xây dựng quá sơ sài…
- Lý do nào Hội KTSVN chọn Đà Lạt mở Hội nghị? Việc đánh gía quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu của Đà Lạt nhằm mục đích gì ?
Chúng tôi đã đến hầu hết các đô thị ở VN, rất nhiều đô thị khác trên thế giới nhận thấy Huế và Đà Lạt là hai thành phố rất đặc sắc, còn giữ được nét riêng về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị. Đà Lạt là thành phố có “ngày sinh tháng đẻ”, xây dựng theo chủ trương qui hoạch và đến nay vẫn phát triển theo qui hoạch. Nghiên cứu quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu của Đà Lạt là để giúp điều tiết, điều chỉnh qui hoạch xây dựng đô thị Đà Lạt trong thời gian tới sao cho phù hợp, để gìn giữ nét riêng độc đáo cho đô thị Đà Lạt. Mặt khác Hội nghị tạo nền tảng cho phương pháp luận nhằm xác nhận gía trị của các thành phần cấu thành kiến trúc đô thị Đà Lạt.
- Theo ông Đà Lạt phải làm gì để giữ mãi được nét riêng kiến trúc độc đáo của mình?
Con đường tốt nhất cho kiến trúc Đà Lạt là phát triển tiếp nối trên cơ sở những gì đã và đang có. Đà Lạt không thể là thành phố bình thường như bao đô thị khác, cho nên trong quá trình phát triển cần sự “cân bằng” đô thị. Tôi nghĩ, Chính phủ nên ban hành những qui chế riêng cho việc cải tạo và phát triển Đà Lạt. Phải biết duy trì và kế thừa gì; phải kết hợp được nét kiến trúc bản sắc và kiến trúc hiện đại. Đơn cử hồ Xuân Hương giữa lòng thành phố sau 110 năm vẫn sạch và không bị bao vây bởi các công trình khác là điểm nhấn đô thị đặc biệt , rất hiếm hoi trên thế giới.Chúng tôi nghĩ sau Huế , Đà Lạt xứng đáng và cần sớm được xếp vào đô thị di sản.
Trên đây là một số ý kiến của một số chuyên gia và các lãnh đạo v.v..
Hầu hết những ai nghiên cứu, tìm hiểu về Đà Lạt đều thấy rằng đây là một thành phố hết sức đặc biệt.
Cũng như Huế, Đà Lạt Trực thuộc Trung ương không phải như các thành phố khác là về công nghiệp, kinh tế, dân số… Mà vì tính “đặc thù rất riêng, có 1 không 2 của nó”. Đặc thù rất riêng của Đà Lạt đó chính là khí hậu, là bảo tàn kiến trúc, là cảnh quan thiên nhiên, là những ngành công nghiệp không khói, là nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước v.v..
Ý kiến đưa Đà Lạt trở lại trực thuộc trung ương không chỉ là ý kiến của UBND tỉnh mà còn là ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học khác.
Trong chương trình khung của Bộ Xây Dựng (Huế, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột) sẽ là 3 thành phố trực thuộc trumg ương trong tương lai. Và tất cả đều có lý do của nó, nếu không sẽ không thuyết phục được Chính phủ cũng như Quốc Hội.
Cần lưu ý Đà Lạt và Huế là hai thành phố có những nét đặc thù hết sức riêng của Việt Nam vì vậy việc trực thuộc trung ương của hai trường hợp này hoàn toàn khác so với những trường hợp khác, không thể đem ra so sánh về kinh tế, dân số… như những thành phố khác được.