Điện ảnh Việt 2008: Vui và buồn
Tờ lịch cuối cùng bay khỏi blốc, cũng là lúc các rạp nhộn nhịp bước vào mùa phim Tết. Náo nức, hồi hộp... là tâm trạng chung của các hãng phim tư nhân có phim vào rạp. Số còn lại đón xuân với tâm trạng chờ đợi và kỳ vọng vào một sự thay đổi. Ở điểm tựa của xuân mới, nhìn lại hoạt động của Điện ảnh Việt năm 2008, thấy vui với những nỗ lực bứt phá của tư nhân nhưng lại buồn vì sức “ì” của các đơn vị sản xuất phim nhà nước.
Các hãng phim nhà nước: Chờ đợi và tiếp tục chờ đợi
Nói về “sức ì” của các đơn vị sản xuất phim của Nhà nước, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyện VN đùa vui: “ Suốt 1 năm qua, cảm giác “chờ đợi” luôn thường trực ở mỗi nghệ sĩ của hãng phim. Họ chờ đợi một “cú vượt”, một sự thay da đổi thịt thực sự... Tiếc là đến bây giờ những “hy vọng” vẫn chưa xuất hiện”. Năm 2008,kinh phí Nhà nước cấp cho điện ảnh ở khu vực sản xuất phimlà hơn 25 tỉ đồng, trong đó ấn định 11 tỉ 393 triệu đồng được chicho bộ phim đặt hàng Đừng đốt trong đó đã có lửa của đạo diễn Đặng Nhật Minh, do Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất. Có nghĩa, kinh phí dành cho sản xuất phim truyện năm 2008 chỉ còn 7 tỉ 207 triệu đồng (số còn lại là kinh phí sản xuất phim hoạt hình và tài liệu). So với năm 2007, giá cả chưa bị trượt mạnh, thì kinh phí sản xuất phim truyện năm 2008 mất đi gần 1 tỉ. Điều đáng nói, số tiền 7 tỉ 207 triệu đồng này không phải muốn đầu tư cho kịch bản nào là được mà phải “áp” theo Nghị định 31 - sản xuất phim theo phương thức đấu thầu. Ngược lại, muốn “đấu thầu” thì kịch bản phải “ổn”... trong khi suốt 11 tháng đầu năm 2008, không có kịch bản nào được duyệt vì chất lượng quá kém. Mãi đến cuối năm, Hãng phim truyện VN mới “trúng” 1 kịch bản là Bụi đường tinh khôi của tác giả Vũ Ly Ly, viết về đề tài hip - hop và đạo diễn được “chỉ định” làm bộ phim này là Vũ Đức Việt.
Poster quảng cáo phim Đẹp từng centimet.
Không có kịch bản chất lượng để duyệt làm phim là một nhẽ, nhưng Điện ảnh Việt cũng đang tồn tại một nghịch lý là kịch bản được duyệt rồi vẫn không chịu bấm máy, mặc cho giá cả cứ nối đuôi nhau mà “trượt”. Càng để lâu, phim càng khó quay vì... tiền mất giá. Nếu không tìm được thêm tiền, thì điều tất yếu sẽ là chất lượng giảm sút do phải cắt chỗ nọ, cúp chỗ kia cho vừa với túi tiền. Đó là trường hợp kịch bản Trái tim không đổi màu của Hãng phim truyện VN. Được duyệt từ vài năm nay, nhưng nay có khả năng “xếp tủ”... vì “thiếu tính khả thi”, lấy đâu ra tiền để xây dựng 1 cái lò thủy tinh đồ sộ làm bối cảnh, sau đó cho vỡ tung trong phim? Một ví dụ khác, đó là kịch bản Hoa đào ơi, hoa đào (Hãng phim truyện 1 sản xuất; biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát; đạo diễn: Trịnh Phong) được duyệt 70% kinh phí/ tổng dự toán là 2 tỉ 887 triệu đồng, đã tạm ứng 2 tỉ 20 triệu đồng (còn lại 867 triệu đồng). Bộ phim này thuộc kế hoạch sản xuất năm 2007 đến giờ vẫn chưa khởi động. Nếu tính “trượt giá” do phim bị ngâm lâu thì kinh phí được duyệt cuối năm 2007 đến cuối năm 2008 đã ít nhiều bị “lạc hậu” và cái lỗi này đương nhiên không phải do... Nhà nước. Tương tự, kịch bản Tử hình (Hãng phim Giải phóng) có quyết định sản xuất năm 2007, được duyệt 70% kinh phí là 2 tỉ 365 triệu đồng, đã tạm ứng 1 tỉ 888 triệu đồng (còn 809 triệu đồng) nhưng... thời điểm này vẫn chưa bấm máy. Có nghĩa, càng để lâu, cái giá được duyệt sẽ càng lỗi thời nếu thị trường trượt giá mạnh và giả thiết có xin được kinh phí hỗ trợ từ các quỹ của nước ngoài như bộ phim Chơi vơi (được duyệt sản xuất cách đây hơn 2 năm)... thì so với mức chi tiêu hiện tại số tiền xin thêm cũng chẳng thấm tháp gì.
Có hàng trăm lý do khiến phim chậm hoàn thành, không khởi quay đúng kế hoạch và kéo theo sự chậm trễ ấy là sự “mất giá” của đồng tiền được cấp... nhưng tựu trung gặp nhau ở một số lý do chính, đó là kịch bản không tìm được đạo diễn; tìm được đạo diễn rồi thì vị đạo diễn này lại chậm trễ trong việc hoàn thành kịch bản phân cảnh; rồi phải có thời gian để xin thêm kinh phí đáp ứng những sáng tạo của đạo diễn... Bộ phim Được sống (Hãng phim truyện VN) được duyệt giá 3 tỷ 746 triệu đồng nên cấp 70% kinh phí được cấp đã là 2 tỷ 697 triệu đồng. Tuy nhiên, với thời giá hiện tại, số tiền này cũng không đủ để các nhà làm phim thực hiện những cảnh quay kỹ xảo phức tạp như cảnh máy bay rơi vào vùng bão khiến tất cả những gì trong máy bay lộn tùng phèo. Giải pháp là cắt hết những cảnh phức tạp phim mới ra trường quay đúng kế hoạch, nhưng chất lượng thế nào... thì phải chờ. Hay, phim Trung úy, sau gần 4 năm “treo” chờ kiếm thêm tiền... được thêm bao nhiêu chưa biết, nhưng giá cả thị trường sau 4-5 năm thì đã khác một trời, một vực. Khởi quay vào năm 2008, được chính đạo diễn PR rầm rĩ về độ “hot”, “nóng”, tính sexy của bộ phim... nhằm lôi kéo sự quan tâm của dư luận và khán giả đến với kịch bản đã “cũ rích” vì “ngâm quá lâu”... kết cục đến bây giờ phim vẫn chưa ra mắt chỉ vì “trục trặc ở khâu làm kỹ xảo nội”.
Tin vui duy nhất vào dịp áp Tết có lẽ là dự án phim Mùi cỏ cháy làm về liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và thế hệ người lính ra trận cùng thời đã tìm được lối ra sau những ách tắc về thủ tục hành chính. Là kịch bản tâm huyết của tác giả Hoàng Nhuận Cầm, kịch bản này được quyết cho Hãng phim Điệp Vân thực hiện. Đôn đáo chạy thêm tiền mong muốn làm một bộ phim ra tấm ra món, nhưng lại “tắc” ở khâu thủ tục. Bởi, theo quy định mới, thì chỉ những phim khẳng định được năng lực về vốn, về kỹ thuật mới được tham gia đấu thầu, nhận phim đặt hàng, trợ giá của Nhà nước. Chưa hội đủ điều kiện này, Hãng Điệp Vân buộc phải buông dự án... và Mùi cỏ cháy “về” với Hãng phim truyện VN, do Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn.
Như vậy, chưa nói đến việc năm 2009 sẽ có bao nhiêu kịch bản được duyệt cho các đơn vị sản xuất tham gia... đấu thầu, thì chí ít điện ảnh cũng có sẵn 4 dự án phim để chờ đợi. Tuy nhiên, không ai dám chắc trong số 4 bộ phim đó, có phim nào (thậm chí cả 4 phim) lại “treo” tiếp sang năm 2010... hoặc lâu hơn không? Có thể lắm, vì đó là chuyện thường ngày của Điện ảnh Việt Nam.
Các hãng phim tư nhân: “Xoay xở đủ đường để… tiến”
Đụng hàng ngoài rạp dịp Tết này là những gương mặt đình đám trong làng phim tư nhân - Thiên Ngân- HK Film, Phước Sang, Phim Việt... Kỳ vọng sẽ gặt hái từ những bộ phim giải trí Tết (Đẹp từng centimet, Giải cứu thần chết, Huyền thoại bất tử...”, những hãng phim này cũng đang ôm ấp tấn công mùa phim hè và Noel 2009. Cái lý để hy vọng là: “Chẳng lẽ cứ để phim ngoại quậy tưng bừng. Phim ngoại thắng trong mùa hè và dịp Noel thì tại sao phim Việt lại không thể? Phải thử mới biết. Đi rồi sẽ thành đường”. Nhà quay phim Trinh Hoan, Giám đốc Hãng HK Film, đơn vị hợp tác với Thiên Ngân - Galaxy sản xuất bộ phim Nụ hôn thần chết và Giải cứu thần chết nói: “ Thiên Ngân sẽ vẫn là đối tác của chúng tôi trong việc sản xuất phim hè và phim Noel. Khác với thể loại giải trí chiếu Tết với phong cách trẻ trung, lãng mạn, hài hước, chúng tôi sẽ thử nghiệm trong mùa phim hè và Noel thể loại kinh dị - tình cảm”.
Cảnh trong phim Huyền thoại bất tử.
Không chịu kém cạnh HK Film và Thiên Ngân, Hãng Phước Sang cũng liên doanh với nhiều đối tác quyết mở đường cho mùa phim hè 2009. “Kịch bản thì có sẵn. Vấn đề còn lại là nghe ngóng thị hiếu để quyết thể loại gì cho trúng”.
Kiên trì với loại phim ngắn 45 phút/phim, Hãng Chánh Tín đã quyết định “bỏ phim nhựa” để chuyển sang truyền hình. Theo đó series hàng trăm tập Chuyện kể lúc nửa đêm sẽ được thực hiện để tung lên sóng sau 4 phim nhựa chiếu rạp không mấy thành công. Để cho việc giữ sóng (HTV7& HTV9) trong năm 2010, trong năm 2009, Chánh Tín Film sẽ dồn sức chuẩn bị kịch bản, đội ngũ và hoàn thiện khoảng 40 tập phim.
Song song với việc làm phim chiếu rạp và làm phim cho truyền hình, các hãng phim tư nhân cũng đẩy mạnh hoạt động cung cấp các chương trình truyền hình để... khẳng định vị thế của mình trên sóng. Công ty Lasta “độc quyền” VTC9 – Lest Viet. Ra mắt đầu tháng 9/2008, VTC9 phát sóng với 12 giờ chương trình mới/ngày. Đích trong năm 2009 là tăng thời lượng phát sóng chương trình mới lên 15-17 giờ/ngày, đồng thời cải tiến chương trình, nâng cao chất lượng để trở thành một trong những kênh “hot” về giải trí. Cũng “chễm chệ” định kỳ trên sóng vào năm 2009 là Thiên Ngân khi trở thành đối tác của Đài Truyền hình VN trong việc thực hiện chương trình thế chỗ Điện ảnh chiều thứ Bảy và Văn nghệ Chủ nhật. Hiện tại, công tác chuẩn bị đang được thực hiện rốt ráo. Chương trình phát sóng đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 2/2009.
Tuy nhiên, nếu để nói về sự “thắng” thì thành công của các hãng tư nhân trong năm 2008 vẫn là lĩnh vực nhập khẩu và phát hành phim. Theo tiết lộ của bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc sản xuất, phát hành Công ty Galaxy thì doanh thu chiếu bóng năm 2008 tăng hơn 50% so với năm 2007. Nhập 50 phim và phần lớn đều thắng về doanh thu, năm 2009, Galaxy tiếp tục duy trì số lượng phim nhập nhưng đổi món đa dạng để xây dựng một thị trường phim phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Cũng khẳng định duy trì số lượng phim nhập trong năm (50 phim) là Công ty Truyền thông Megastar. Điều đáng nói là công ty này cam kết sẽ chiếu phim đồng thời với thời gian phát hành của thế giới. Có nghĩa, phần lớn phim chiếu trong năm 2009 đều là phim “nóng hổi”- điều mà Nhật Bản và nhiều nước châu Á mong muốn mà chưa thực hiện được. Thuộc gương mặt thứ 3 ở khu vực nhập phim là Công ty BHD. Đơn vị này vẫn quả quyết duy trì số lượng 24 phim/năm 2009.
Xuân đến rộn ràng ở khu vực tư nhân. Các đơn vị phim nhà nước thì vẫn hồi hộp chờ đợi một sự thay đổi. Hy vọng, việc cổ phần hóa 3 hãng phim nhà nước sẽ được thực hiện triệt để trong năm 2009, mở ra những cơ hội mới cho nghệ sĩ và cho chính các đơn vị này.
Nguồn : SK&ĐS