DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm

    avatar
    TucViDepTrai™
    Điều hành viên
    Điều hành viên


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 412
    Tuổi : 33
    Cảm ơn : 1

    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm Empty Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm

    Bài gửi by TucViDepTrai™ 2008-10-29, 17:23

    Mới đây phiên bản thứ 5 của Alone in the Dark vốn là game kinh điển của thể loại kinh dị, lại xuất hiện dưới cái tên ngắn gọn Alone in the Dark (AitD) với kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá mới. AitD vẫn đem đến nỗi sợ hãi bằng những pha hành động trong bầu không khí rờn rợn cùng các cuộc đụng độ với những người – sinh vật biến hình.

    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm G0808_48_1

    Thật khó mà hình dung được thể loại game kinh dị (survival horror) sẽ ra sao nếu thiếu vắng thương hiệu Alone in the Dark. Không phải Resident Evil, cũng chẳng phải Silent Hill mà chính tựa game đầu tiên trong sêri game này mang tên Alone in the Dark xuất hiện trên các máy PC "cổ lỗ sỉ” đầu thập niên 90 của thế kỷ trước mới là người tiên phong khai phá mảnh đất game kinh dị trên nền 3D này. Ba phiên bản liên tiếp ra đời vào các năm 92, 94 và 95 đã để lại những dấu ấn đậm nét, nhất là phiên bản đầu tiên luôn được xem như là một game kinh điển. Tuy nhiên, việc một khoảng thời gian dài không xuất hiện thêm phiên bản mới đã tạo điều kiện cho những bậc đàn em mà đại diện là Resident Evil soán ngôi ngoạn mục. Mãi đến năm 2001, phiên bản thứ 4 mang tên Alone in the Dark: The New Nightmare mới được tung ra, nhưng chỉ đạt một số thành công ít ỏi. Không cam chịu thất bại, mới đây phiên bản thứ 5 của sêri này lại xuất hiện dưới cái tên ngắn gọn Alone in the Dark (AitD) với kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá mới.

    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm G0808_48_2

    Nhân vật trung tâm của AitD vẫn là siêu thám tử tư Edward Carnby, người đóng vai trò then chốt trong cả 5 phiên bản. Nếu đã từng biết qua lịch sử của sêri AitD, bạn sẽ biết được nhiều điểm kỳ lạ quanh nhân vật này - 3 phiên bản đầu xoay quanh cuộc đời của viên thám tử trẻ này vào những năm 1920 thì phiên bản thứ tư lại đưa anh đến năm 2001 mà vẫn trẻ trung dù gần 80 năm đã trôi qua. Có phải đây là một sai lầm ấu trĩ trong thiết kế hay những nhà làm game có dụng ý gì khác? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong AitD, với những bí ẩn bao trùm Edward Carnby sẽ được làm sáng tỏ.

    Trong AitD câu chuyện bắt đầu vào năm 2008, khi Edward Carnby tỉnh dậy và phát hiện mình đang ở trên tầng cao của một cao ốc và bị giam giữ bởi một tổ chức bí mật. Đột nhiên một thực thể kỳ lạ tấn công mọi người thông qua các vết nứt khổng lồ mà nó tạo ra trên tường. Cả tòa nhà bắt đầu bốc lửa rồi sụp đổ từng phần và Edward phải tìm cách nhanh chóng thoát thân. Đó mới chỉ là màn mở đầu cho chuyến phiêu lưu nhuốm màu sắc kinh dị mà viên thám tử này một lần nữa phải dấn thân vào.

    Vẫn giữ nguyên truyền thống, AitD đem đến nỗi sợ hãi cho người chơi từ những pha hành động trong bầu không khí rờn rợn cùng các cuộc đụng độ với những người – sinh vật biến hình được gọi là Humanz vốn bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng kỳ lạ. Các yếu tố leo trèo chạy nhảy cũng được sử dụng, tạo hiệu quả rất tốt với người chơi thông qua các màn được thiết kế khéo léo, đơn cử như những màn leo trèo "ú tim" giữa một cao ốc đang sụp đổ ngay từ đầu game. Cảm giác thật ấn tượng khi bạn đu mình giữa các gờ đá cheo leo trong khi mọi thứ xung quanh đang đổ sập về phía mình, có thể nói đây là một trong những nét mới thêm vào game thành công nhất.

    Game cung cấp đến 2 góc nhìn (thứ nhất và thứ ba) mà người chơi có thể chủ động chuyển đổi qua lại cho phù hợp. Góc nhìn ngôi thứ 3 cho phép thực hiện các pha chạy nhảy cũng như các đòn cận chiến, trong khi đó, góc nhìn ngôi thứ 1 giúp dễ quan sát xung quanh và ngắm bắn bằng súng ngắn. Ý tưởng 2 góc nhìn thoạt tiên nghe khá hấp dẫn nhưng thực sự lại không giúp ích nhiều cho người chơi mà thậm chí còn khiến họ lúng túng do cách bố trí nút bấm. Có lẽ nên đầu tư vào một góc nhìn hoàn chỉnh hơn là cung cấp đến 2 nhưng lại kèm theo nhiều bất cập như góc quay camera gây khó chịu như thế này.
    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm G0808_48_3

    Thao tác điều khiển hành động của nhân vật cũng khá khác thường. Khi cầm trong tay những thứ vũ khí cận chiến như gậy gộc, rìu, bàn ghế hay bình chữa lửa, bạn sẽ điều khiển bằng phím analog thay vì các nút bấm như thông thường. Bằng cách kéo đẩy phím này theo các hướng khác nhau, người chơi sẽ thực hiện các thao tác tấn công từ trước ra sau, trái qua phải hay ngược lại theo ý muốn. Tuy nhiên thỉnh thoảng các thao tác này lại không chính xác cho lắm, một phần do kiểu thiết kế điều khiển khác người.

    Alone In The Dark – Cô độc trong bóng đêm G0808_48_4

    Lửa – yếu tố được nhắc đến khá nhiều trong các đoạn phim giới thiệu trước khi game ra mắt đã đóng một vai trò quan trọng xuyên suốt game. Các đám cháy được dựng lên khá chân thật với các ngọn lửa được thiết kế kỹ lưỡng. Các đám cháy đôi khi là chướng ngại vật khó chịu mà nếu cần phải vượt qua, bạn sử dụng các bình chữa cháy rải rác trong game. Nhưng phần lớn chúng lại rất hữu ích khi giúp bạn châm lên những ngọn đuốc soi sáng đường đi và nhất là cung cấp cho bạn lửa, thứ duy nhất tiêu diệt được Humanz.

    Một yếu tố lạ nữa là cách thức game quản lý các vật dụng. Bạn chỉ có thể đem theo số vật dụng tương ứng với sức chứa của chiếc áo jacket mà Edward đang mặc. Vì thế, bạn nên lựa chọn những thứ thật cần thiết. Khả năng tùy biến kết hợp các vật dụng với nhau để cho ra món đồ hữu dụng hơn cũng rất thú vị. Bạn có thể châm ngòi một chai nhựa đựng đầy xăng rồi dùng băng keo để dán nó vào người một đối thủ; kết hợp thêm một băng đạn vào thứ bom xăng này còn tạo ra những vụ nổ ấn tượng và hiệu quả hơn nữa. Một số khả năng kết hợp đáng giá khác như tẩm chất dễ cháy vào các viên đạn giúp tạo thành "đạn lửa" có thể hạ gục đối thủ nếu bắn trúng điểm yếu của chúng, hoặc tạo thành bình xịt lửa hiệu quả... Khả năng tương tác với môi trường trong game cũng khá tốt. Nếu đang cần lửa mà xung quanh không có thì bạn có thể bắn gãy chân chiếc bàn gỗ gần đấy để tạo cho mình một ngọn đuốc, hoặc nếu đang cần vật sắc nhọn bạn có thể bắn rơi lưỡi gươm đang treo trên tường.

    Tuy nhiên, sau thời gian đầu hồ hởi với các yếu tố mới lạ thì bạn dần nhàm chán do cách chơi không thay đổi và nhiều yếu tố lặp lại. Mặc dù đã có thêm những trường đoạn người chơi được điều khiển chiếc xe của mình tự do như trong GTA nhưng cũng chỉ cứu vãn được một phần nhỏ mà thôi.

    Xuất hiện trên hệ máy next-gen là X360, AitD phần nào thể hiện sức mạnh trong đồ họa qua các hiệu ứng lửa cháy đẹp mắt cũng như một số khung cảnh được thiết kế sống động và chi tiết. Tuy nhiên, các nhân vật và các loại quái vật thì lại được thiết kế khá thô ráp nên đã phần nào giảm đi thành công của game. Nhạc nền và các hiệu ứng âm thanh đã tôn được bầu không khí rờn rợn của game, nhưng phần lồng tiếng thì hơi "đuối" và chất lượng không cao.


    Chứa nhiều ý tưởng được thực hiện khá tốt như yếu tố lửa cháy và kết hợp các vật dụng với nhau, nhưng AitD lại có một số mặt yếu kém như các nút điều khiển bố trí chưa hợp lý và cách chơi hơi trùng lặp đã khiến game chưa thể hoàn toàn thành công. Một game tạm chơi được với những ai yêu thích thể loại kinh dị trong lúc chờ đợi những tựa chất lượng hơn.

      Hôm nay: 2024-11-15, 15:22