DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


    Cái đèn đỏ phương Tây và con trâu trong rừng Việt

    Thamtudalat
    Thamtudalat
    Thử việc văn phòng
    Thử việc văn phòng


    Tổng số bài gửi : 48
    Cảm ơn : 23

    Cái đèn đỏ phương Tây và con trâu trong rừng Việt  Empty Cái đèn đỏ phương Tây và con trâu trong rừng Việt

    Bài gửi by Thamtudalat 2010-12-23, 04:11

    Trong một lần đi công tác miền núi tôi đã nghe câu chuyện vui, rằng trong vụ va chạm giao thông giữa chiếc ô tô miền xuôi, với con trâu của đồng bào miền ngược, dù con trâu có đi sai luật chăng nữa, người tài xế bao giờ cũng phải bồi thường...
    Cái đèn đỏ phương Tây và con trâu trong rừng Việt  Trau

    Cái chết của con trâu

    Vấn đề ở đây, không phải cái xe nhiều tiền hơn con trâu, hay người tài xế được đào tạo bài bản về luật còn con trâu thì không thể như thế. Mấu chốt của câu chuyện nằm ở chỗ: anh đem xe của anh chạy trên đường của chúng tôi, anh gây ra tai nạn, vậy anh phải đền. Bài học nhập gia tùy tục.

    Nếu anh không lái xe chạy qua làng bản chúng tôi, con trâu có chết oan như thế không?

    Vâng, con trâu xưa nay vẫn thế, nó không hề xấu hơn các thế hệ tổ tiên của nó. Nó chăm chỉ kéo cày, ngoan ngoãn nghe lời con người, có khi ở trong rừng sâu hàng tháng trời. Hễ nghe tiếng chủ, nó biết mà đi theo, về nhà của mình. Nó chưa hại ai bao giờ. Nó không thể là nguyên nhân, không là thủ phạm gây ra vụ tai nạn giao thông. Nó không phải kẻ thủ ác.

    Con trâu hiền lành ngây thơ không phải là thủ phạm, hẳn nó là nạn nhân. Một nạn nhân đau khổ, oan ức, tức tưởi. Chiếc xe rất lớn, khối sắt thép khổng lồ với tốc độ kinh dị, sức mạnh ghê gớm, đã đâm thẳng vào con trâu khi nó háo hức đi sang đường để về nhà.

    Anh tài xế bắt bẻ: “Tại sao để trâu đi ngang đường?”. Gia chủ vặn lại: “Con trâu không phải con chim”.

    Anh tài xế vẫn khăng khăng: “Nhưng tôi đi đúng luật, đúng phần đường. Tôi đúng, tại sao tôi phải bồi thường!”. Gia chủ cũng không chịu: “Anh bảo con trâu của tôi sai ở đâu? Ngày nào, vào giờ này, nó cũng từ rừng băng qua đường về nhà. Nó làm sao biết hôm nay anh lái xe đâm vào nó!”.

    Hóa ra cả hai đều biết. Người tài xế biết lái xe đi đúng làn đường, con trâu biết giờ ấy phải về nhà. Nhưng cả hai có cái đều không biết. Anh tài xế không biết trong rừng có con trâu sắp sang đường. Con trâu không biết cái xe khổng lồ lại đâm thẳng vào một kẻ hiền lành phúc hậu.

    Trên xứ miền núi không thấy có nhiều cầu vượt qua đường.

    Mà bao nhiêu cầu vượt cho đủ? Người ở các bản giờ đã thích ra sống ven đường. Bao nhiêu là bản, vắt qua những ngọn núi thấp, núi cao. Những con đường thân thuộc ấy, vốn chỉ có người, ngựa, họa hoằn là vài chiếc xe máy phân khối lớn. Trâu ngựa thấy nhau thì tự tránh. Không dứt khoát phải tránh sang bên phải hay bên trái! Nếu quá lắm, cứ dạt thẳng vào rừng là xong.

    Bây giờ, người tài xế bèn lý lẽ: “Anh nuôi trâu, anh phải có trách nhiệm dẫn nó sang đường chứ. Anh để nó không biết luật mà vẫn tham gia giao thông, như thế anh sai”.

    Gia chủ đang lúc thương tiếc con vật quý của mình, lại công việc lu bù suốt ngày dưới ruộng trên nương, chẳng thể nào giải thích cho tường tận, chỉ biết hỏi lại một câu: “Anh có cùng lúc lái được 10 cái xe ô tô chạy trên đường không?”.

    Cuộc tranh cãi chừng như không bao giờ đi đến cái kết.

    Người ở bản thấy con trâu ngoan của mình chết oan ức, gia sản bị thiệt hại, đau xót biết bao. Người tài xế đi đúng luật, lái xe đúng như trong sách, mà suýt nữa thiệt mạng vì đâm vào con trâu, người còn trầy sước, đau đớn, mặt mũi bơ thờ, giờ phải bỏ tiền đền cả con trâu, thấy như mình bị o ép, bị hành hạ, kiểu “phép vua thua lệ làng”. Ai cũng đều thấy mình đúng. Cả hai đều cảm thấy bị thiệt thòi, không công bằng.

    Vụ tai nạn giao thông ấy, nghĩ cho cùng không chỉ là một vụ húc nhau về giao thông mà còn là một cú va chạm về văn hóa.

    Anh tài xế mang cái luật thẳng băng của miền xuôi lên, nào là đi đúng phần đường, nào là đi đúng tốc độ. Còn con trâu và người chủ của nó thì cứ theo cái tập quán muôn đời của mình mà đi, ai tránh được thì tránh.

    Anh tài xế đi đúng đường, chưa đủ, anh còn phải lường trước những vị khách “tham gia giao thông” không báo trước, anh phải bấm còi khi qua những chỗ làng bản nhiều gia súc, cho dù không có biển báo buộc bấm còi. Nhưng bản làng ở trên núi cao nhiều khi nằm sau rừng cây, làm sao biết được!

    Khi đàn trâu tá hỏa chạy mỗi con một hướng, anh phải xử lý như một người chăn trâu có kinh nghiệm, thậm chí xuống xe để đuổi chúng về bản trước khi phóng xe đi. Chúng đâu có biết anh tới đây để làm gì? Rất có thể vì quý anh, nên đàn trâu mới đứng giữa đường mà chặn anh lại đấy.

    Người chủ của đàn trâu, anh không thể chỉ cứ vin vào thói quen tự về nhà của đàn trâu, hay viện cái cớ “đường này làm gì có biển báo cấm trâu”.

    Con người, không thích đi thì đứng, cái ô tô đâu dễ dàng phanh gấp. Nếu phanh gấp, xe có thể trượt bánh mà lao xuống vực đấy. Anh thả một đàn trâu dưới chân dốc, mỗi con chạy một hướng, họa may có cánh thì ô tô mới vượt qua được mà không bị gì.

    Những vụ tai nạn như thế có thể không xảy ra, nếu hai bên đều hiểu nhau, mà có một cách ứng xử “đa văn hóa”, không máy móc cứng nhắc . Cả hai phải chấp nhận cái khác của nhau, tôn trọng lấy cái khác của nhau để chung sống một cái hài hòa trên những con đường mới mở vừa đẹp đẽ vô ngần mà cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm không lường.

    Uy lực của đèn đỏ

    Trong cuộc trò chuyện với một nhà văn Đức gần đây, khi cô ra mắt cuốn sách ký về Việt Nam, nhiều độc giả rất tò mò xem ấn tượng của nhà văn đối với xứ sở này là thế nào. Cô nói, cũng như nhiều người châu Âu khác, cái đập vào mắt cô đầu tiên là giao thông. Một hệ thống giao thông như mắc cửi và người ta không thật sự bị chi phối bởi đèn hiệu. Họ có thể sang đường bất kỳ lúc nào họ cảm thấy có thể! Châu Âu không thế, châu Âu là dừng lại, và đi theo chỉ dẫn của đèn tín hiệu.

    Vâng, tôi cũng đã từng nhìn thấy những người co ro đứng chờ đèn xanh dưới trời mưa bão. Dù trước mặt người đó không hề có phương tiện giao thông nào. Người tham gia giao thông cứ đứng thế mà chờ đèn xanh, giữa đêm khuya không một bóng người. Anh ta không nhận ra rằng cái đèn đang có vấn đề, nó dường như bị chạm và chỉ có thể đỏ như thế mãi cho đến khi cháy bóng hoặc có người đến tắt. Người tham gia giao thông này chờ lâu quá không được bèn quay lưng, rẽ theo lối khác.

    Một cuộc sống như lập trình, trật tự và tuân thủ theo sự chỉ dẫn, là cái mà người ta hướng tới. Đèn đỏ là một biểu hiện của quá trình đó. Chứ thực ra, không phải giao lộ nào cũng có đèn đỏ. Những con đường ở thôn quê, không cần tới nó. Nhưng với thành phố nhiều triệu dân, dễ tắc đường, đèn đỏ là cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa không có đèn đỏ thì không thể triển khai giao thông và không có đèn đỏ nghĩa là lạc hậu và không chấp nhận được.

    Người ta thuận bên phải, nên đi theo lề phải. Nhưng với những nơi thuận theo lề trái, sẽ thiên về phía trái. Đi về trái, hay về phải, là văn minh hay lạc hậu? đơn giản chỉ là thói quen, tập quán, đảm bảo sự lưu thông và thói quen sinh tồn, chứ không hề là văn minh hay lạc hậu.

    Có không ít người từ sợ hãi trở nên tò mò trước hệ thống giao thông vừa hiện đại vừa cổ sơ của Việt Nam. Hóa ra con người ở đây đi qua đường rất bất ngờ. Và người ta nhường cho nhau qua đường không phải là vì pháp luật hay tuân theo sự điều hành, mà là nhường cho người khác đi công việc gấp. Anh có thể sang đường bất cứ đâu, nếu có vẫy tay xin phép, thậm chí cứ cắm cúi mà đi. Người sang đường đinh ninh rằng tất cả xe cộ sẽ tránh mình, không ai làm hại mình.

    Dĩ nhiên, trong cuộc sống hiện đại, người ta cần có những sự quy củ, những trật tự, hệ thống lý thuyết luật pháp hiện đại đủ để trừng phạt răn đe buộc chấp hành, nhưng dường như điều đó vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn những câu chuyện lý sự của anh chàng miền núi bị xe tông vào con trâu. Và bên cạnh những người sẵn sàng đứng đợi cả nửa giờ đồng hồ trong đêm mưa để chờ đèn xanh thì vẫn có những người sang đường theo cách cổ xưa ở làng quê, với niềm tin rằng sẽ chẳng ai húc vào mình. Trong tâm hồn của họ chưa có cái đèn đỏ nào cả, hoặc là họ cũng chẳng thực sự bận tâm đến nó bằng những chuyện khác!

    Cũng bởi thế, mà câu chuyện về văn hóa giao thông của Việt Nam, xen giữa cái văn hóa Đông – Tây, vẫn còn là câu chuyện dài chưa kết thúc.

    Nguyên Anh

      Hôm nay: 2024-04-27, 04:22