DSO - DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐÀ LẠT

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN SINH VIÊN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT


2 posters

    Kỳ bí tục táng treo

    anhday
    anhday
    Trợ lý giám đốc
    Trợ lý giám đốc


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 1298
    Tuổi : 38
    Cảm ơn : 33

    Kỳ bí tục táng treo Empty Kỳ bí tục táng treo

    Bài gửi by anhday 2009-02-08, 06:17

    Giữa chốn thâm u núi rừng của đại ngàn Tây nguyên hùng vĩ, tôi liều mình bước vào nghĩa địa treo Vai Trang (Kontum). Một cảm giác ớn lạnh chạy qua người.

    Đi vào... rừng ma

    Chuyện đó đã cách đây mười năm, khi tôi lần đầu thâm nhập “rừng ma” của người Jẻ ở xã biên giới Đăk Long. Cùng đi có anh cán bộ Huyện đoàn Đăkglei (tỉnh Kontum) tên Trần Ngọc Từ. Từ xã đến ngã ba Đăk Môn thì đi ngược lên hướng biên giới Việt - Lào.

    Chúng tôi vào nhà trưởng thôn và già làng để đề nghị cho người dẫn đường vào nghĩa địa treo Vai Trang. Dưới tán rừng nguyên sinh, ở đây cây le và lồ ô nhiều vô kể, gãy gập ngang ngửa như mắc cửi. Nắng chiều không lọt qua khỏi tán rừng già, rọi ánh sáng yếu ớt xuống những bụi le, lồ ô dựng đứng như đang che chở cho các thi hài hiển hiện trên mặt đất. Chúng tôi luồn sâu vào bên trong dưới những lớp lá dày hơn 20cm, chân tôi bỗng giẫm phải cái gì đó nghe lạ lắm, vạch đám lá ra bên dưới là mảnh ghè rượu, mấy cái chén ăn cơm, gùi, balô, đèn pin, chai lọ và hỡi ôi có cả xương người. Hồn vía lên mây định tháo chạy trở ra nhưng vì máu tò mò nên hai chúng tôi trấn an nhau và... đi tiếp.

    Đi vào “rừng ma” làm chúng tôi mất phương hướng, phía dưới là con suối Đăk Long nước chảy ào ào. Bỗng trước mắt chúng tôi hiện lên hàng chục quan tài được đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất 0,5-1m... một số còn khá mới chứng tỏ tang gia vừa tổ chức đám ma xong. Ngoài các quan tài bằng gỗ có cả những quan tài được làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn thành những quan tài rất đẹp. Phía trên quan tài được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được “chia phần”, một số “con ma” còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp (để ở ngoài) và vàng (đặt trong hòm). Ở những chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương.

    Táng treo để nhớ đến người

    Trở lại Vai Trang lần này, chúng tôi tìm đến già làng A Jáp và Y Môi, cả hai ông nay đã trên 90 tuổi. Hai già làng kể: ngày xưa một gia đình nọ có hai anh em trai mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Họ sống nương tựa nhau, yêu thương nhau hết mực. Khi đến tuổi trưởng thành, người anh làm nghề buôn bán nên nhanh chóng giàu có. Người em trai chăm chỉ, cần mẫn làm nương rẫy. Chẳng lâu sau cả hai anh em đều giàu có nhất làng nhưng không biết ai giàu hơn ai. Người anh bèn nghĩ ra một cách và nói với người em rằng hãy thi tài bằng cách xây một cái nhà mà vách phải bằng da trâu, ai bọc được da trâu quanh nhà nhiều hơn thì người đó được coi là giàu hơn.

    Đến hẹn, dân làng nổi cồng chiêng và mọi người được mời đến uống rượu để chứng kiến cuộc thi. Người anh nhanh chóng cắt từng mảng da trâu lớn treo đầy vào cây lồ ô đã được dựng sẵn. Cậy nhà nhiều trâu, người anh “đập” hết con trâu này tới con trâu khác với quyết tâm chiến thắng. Còn người em chỉ “đập” một con trâu, khéo léo dùng dao lột mỏng da trâu kéo căng ra để phủ lên được nhiều. Nhờ biết cách căng miếng da trâu mà người em đã chiến thắng. Thua cuộc, người anh cay cú. Hai anh em bất hòa và làng tách ra làm hai. Người em tìm đến một con suối có nhiều lau lách thì dừng lại lập nên làng Vai Trang ngày nay.

    Vai Trang có nghĩa là con suối có nhiều lau lách. Từ đó về sau làng Vai Trang lấy trồng trọt và chăn nuôi làm nghề chính, sống đoàn kết yêu thương nhau, hòa thuận với các buôn làng khác bên cạnh. Người em là thủ lĩnh đức độ, tài cao, hết mực thương yêu, sẻ chia giúp đỡ người dân nghèo mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Khi ông qua đời, dân làng khóc lóc thảm thiết suốt nhiều ngày mà không nỡ chôn xuống đất. Họ bèn nghĩ ra cách treo quan tài lên cây để không con gì có thể ăn được thi thể, ai nhớ có thể ra đó thăm viếng và như thế linh hồn người thủ lĩnh sẽ ở mãi với dân làng.

    Vai Trang ngày mới

    Tôi tìm đến nguyên bí thư Đảng ủy xã Đăk Long A Chưng, ông cho biết những người chết được táng treo gần đây không phải là một già làng hay một thủ lĩnh tài giỏi, mà đơn giản chỉ là... người giàu. Thực tế những gia đình giàu có mới đủ tiền mua những cây gỗ quý to bằng mấy vòng ôm, rồi thuê người đục đẽo chạm trổ hình những con thú lớn và đủ tiền mua mấy con trâu giết thịt để thết đãi cả làng ăn uống linh đình.

    Ông A Chưng nói: “Trước năm 2003 thì vẫn còn nhưng từ đó đến nay bỏ hẳn rồi. Cán bộ huyện xuống họp với dân làng, phân tích cho bà con hiểu làm như vậy mất vệ sinh môi trường lắm! Bà con nghe theo nên từ đó đến bây giờ không ai còn dám chôn treo như ngày xưa nữa!”. Chúng tôi cắt rừng lồ ô rậm rạp đi sâu vào trong nay đã không tìm được những chiếc quan tài treo lơ lửng mà tôi từng nhìn thấy cách đây mười năm về trước, chỉ bắt gặp rải rác một số ghè rượu, xoong nồi, dao rựa... đã bị đập vỡ, bẻ cong bên cạnh dấu tích những quan tài không còn hình thù.
    .•.Mr ¤ ßờm.•.
    .•.Mr ¤ ßờm.•.
    Điều hành viên
    Điều hành viên


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 1270
    Tuổi : 37
    Cảm ơn : 22

    Kỳ bí tục táng treo Empty Re: Kỳ bí tục táng treo

    Bài gửi by .•.Mr ¤ ßờm.•. 2009-02-08, 09:59

    Đọc thấy ghê!
    anhday
    anhday
    Trợ lý giám đốc
    Trợ lý giám đốc


    Giới tính : Nam
    Tổng số bài gửi : 1298
    Tuổi : 38
    Cảm ơn : 33

    Kỳ bí tục táng treo Empty Re: Kỳ bí tục táng treo

    Bài gửi by anhday 2009-02-08, 19:05

    vậy àh!!!! ghê lắm không???
    nếu cảm thấy không phù hợp thì không nên xem đâu mà đã lỡ xem rùi thì hãy tìn hiểu thêm chút đi, nó có nhiều ý nghĩa lắm đó

    Sponsored content


    Kỳ bí tục táng treo Empty Re: Kỳ bí tục táng treo

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: 2024-03-29, 14:10